1. Trang chủ /
  2. TP.HCM: Bệnh nhân ở huyện Cần Giờ không còn phải đi xa để chạy thận

TP.HCM: Bệnh nhân ở huyện Cần Giờ không còn phải đi xa để chạy thận

thứ tư, 18/10/2023 21:49 GMT+07
Ngày 18/10, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Cần Giờ ra mắt Đơn vị chạy thận nhân tạo vệ tinh tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ với sự hỗ trợ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, Sở Y tế và Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm hỏi bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ sáng 18/10.

Chia sẻ về chương trình, Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, nhiều năm qua huyện Cần Giờ, nhất là xã Đảo Thạnh An luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM về nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề về chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn những hạn chế nhất định về nguồn lực y tế.

“Thấu hiểu sự khó khăn của người bệnh nơi đây phải lặn lội lên TP.HCM chạy thận, chúng tôi đã thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo vệ tinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ. Đây cũng là một trong những nội dung mà Sở Y tế triển khai nhằm nâng cao năng lực y tế của huyện này”, Bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ.

Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, Sở Y tế và Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm hỏi bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ sáng 18/10.

Bệnh nhân Trần Thị Nhã Phương (32 tuổi, ngụ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) bày tỏ niềm vui mừng khi ngày đầu được chạy thận ngay tại Trung tâm y tế huyện mà không cần phải lặn lội lên Bệnh viện huyện Nhà Bè chạy thận như một năm qua.

Chị Phương kể, chị phát bệnh về thận 4 năm trước, mới chạy thận năm ngoái. Mỗi tuần 3 lần, chị tự đi xe máy đến huyện Nhà Bè chạy thận, khi nào sức khỏe yếu thì đi xe buýt. Chồng chị phải ở nhà đi làm và đưa đón con đi học. Mỗi lần di chuyển, chị tốn mất vài tiếng đồng hồ rất mất sức.

Do đó, khi Trung tâm y tế huyện Cần Giờ mở đơn vị chạy thận, chị cảm thấy rất vui và trân trọng các bác sĩ, cơ quan ban ngành tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân chữa bệnh. Kể từ nay, mỗi khi chạy thận chị Phương chỉ cần đi xe buýt từ xã An Thới Đông lên đây, gần và rất tiện lợi.

Được biết, đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo” của ngành y tế TP.HCM. Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức đoàn công tác gồm các chuyên gia về bệnh thận và lọc máu (thuộc Bệnh viện Nhân dân 115, Trưng Vương) cùng Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến Trung tâm y tế huyện Cần Giờ để thẩm định và đánh giá những yêu cầu cần thiết theo quy định về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực khi muốn triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.

Bệnh nhân huyện Cần Giờ được chạy thận ngay tại địa phương. Ảnh: Thảo Phương

Bên cạnh đảm bảo việc triển khai và vận hành hệ thống thận nhân tạo theo đúng quy định, Sở Y tế tiếp tục làm việc với Bảo hiểm xã hội TP.HCM để đảm bảo cho người bệnh được hưởng các chế độ thanh toán bảo hiểm y tế, giúp người bệnh yên tâm điều trị.

Việc huy động nguồn lực của ngành y tế triển khai kỹ thuật chạy thận tại Cần Giờ ngoài mục đích đảm bảo công bình y tế trong tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ, còn mang ý nghĩa thiết thực khác, đó là khởi động lộ trình hình thành trở lại Bệnh viện Cần Giờ.

Hiện TP.HCM có 4 quận, huyện chỉ có Trung tâm y tế, không có bệnh viện (quận 3, 5, 10 và huyện Cần Giờ). Theo kế hoạch phát triển của ngành y tế TP.HCM, 1 trong 4 địa phương này cần sớm hình thành trở lại loại hình bệnh viện chính là huyện Cần Giờ, do những đặc điểm rất đặc thù như ở xa trung tâm TP.HCM, xung quanh Trung tâm Y tế huyện không có các bệnh viện TP.HCM như ở quận 3, 5 và 10.

Tại buổi họp tại huyện Cần Giờ vào sáng 18/10, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo huyện Cần Giờ thống nhất cao không phải chờ đến khi đề án được UBND TP.HCM phê duyệt, sẽ triển khai ngay những hoạt động cấp bách và thiết thực trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người dân huyện Cần Giờ.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và lãnh đạo huyện Cần Giờ chủ trì hội nghị thảo luận và thống nhất các nội dung của Đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo đên năm 2030”.

Cụ thể như luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện đến công tác tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An; triển khai đơn vị chạy thận thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt tại Trung tâm y tế huyện; sắp đến là thành lập Trạm Cấp cứu vệ tinh do Trung tâm Cấp cứu 115 đảm trách,… Điều đáng mừng là UBND huyện Cần Giờ đang khẩn trương triển khai “nhà ở xã hội” nhằm hỗ trợ nơi nghỉ, nơi sinh hoạt cho nhân viên y tế của các bệnh viện thành phố luân phiên đến công tác tại huyện Cần Giờ.

Huyện Cần Giờ khó thu hút nhân lực ngành y tế
Tính đến 31/12/2022, toàn huyện Cần Giờ có hơn 19.500 hộ dân, với khoảng 77.900 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều theo địa bàn hành chính xã. Có xã quy mô dân số trên 20.000 người/xã (xã Bình Khánh) nhưng có xã quy mô dân số dưới 5.000 người/xã (xã Thạnh An). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,8% dân số.
Tổng số nhân lực y tế của huyện Cần Giờ hiện có 239 người, gồm: 21 bác sĩ (tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân chỉ đạt 5,14, trong khi cả TP.HCM đã là 20), 125 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, 93 nhân viên khác.
Trong thời gian 5 năm gần đây Trung tâm y tế không tuyển dụng được bác sĩ, hoặc tuyển dụng được nhưng sau một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc, dẫn đến nhiều danh mục kỹ thuật trong tuyến, đặc biệt là nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa,…không được triển khai, huyện tiếp tục nhận sự hỗ trợ nhân sự chuyên môn luân phiên từ các bệnh viện đầu ngành của Thành phố như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Mắt,…
Việc sáp nhập bệnh viện huyện vào Trung tâm y tế huyện Cần Giờ về cơ bản đã giúp Trung tâm thể hiện được vai trò tham mưu giúp Sở Y tế, UBND huyện Cần Giờ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và triển khai các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, do không có bệnh viện nên năng lực cung ứng dịch vụ điều trị còn hạn chế do không thu hút được nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên khoa, dẫn đến nhiều kỹ thuật điều trị chuyên khoa không được triển khai đáp ứng nhu cầu của người dân (như chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, sanh mổ…). Hệ lụy là người dân phải lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị, mất rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém về chi phí.