TP HCM: 'Vừa ra chợ đã hết sạch tiền' vì giá hàng hóa tăng theo giá xăng
Đối với nhóm mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Ví dụ, xà lách cuộn có giá 60.000 đồng/kg, trước đó chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, bông cải xanh - trắng cũng tăng thêm 5.000 đồng/kg và đứng giá 50.000 đồng/kg, các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo,...) tăng hơn 3.000 đồng/kg dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Không nằm ngoài vòng xoáy tăng giá, thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thủy hải sản cũng đua nhau “phi mã”.
Điển hình, tôm thẻ loại lớn khoảng 15 con một kg có giá 250.000 đồng/kg, trước đây chỉ ở mức 220.000 đồng/kg; mực lá loại nhỏ tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg và dao động ở giá 260.000 - 280.000 đồng/kg; cá thu và cá bớp cắt khúc tăng thêm 20.000 đồng/kg với giá 250.000 - 270.000 đồng/kg.
Hầu hết tiểu thương cho rằng, sau Tết Nguyên đán sức mua rất thấp nhưng vẫn phải tăng giá hàng hóa. Giá vận chuyển hàng hóa từ các chợ đầu mối về chợ truyền thống tăng lâu rồi. Nếu không tăng giá bán sản phẩm lấy đâu bù vào phần giá vận chuyển tăng.
“Giá thực phẩm, hàng hóa tăng là sức mua tiếp tục bị ảnh hưởng. Cũng lượng hàng hóa hay mua hàng ngày, giờ họ giảm bớt lại. Thậm chí, thay vì lựa sản phẩm tốt, thực phẩm ngon thì người tiêu dùng mua những sản phẩm tầm trung. Đây là một cách thắt lưng buộc bụng khi bão giá hoành hành”, tiểu thương Lê Thị Hà (chợ Tân Lập, thành phố Thủ Đức) cho hay.
Đề cập đến tăng giá sản phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP HCM cho hay, sắp tới doanh nghiệp trong ngành sẽ điều chỉnh mức giá sản phẩm.
Lý do xăng dầu tăng giá kéo theo hàng loạt chi phí khác bị đội lên. Vì vậy, doanh nghiệp buộc tăng giá. Đây là giải pháp không mong muốn nhưng không còn cách nào khác.
Trước tình trạng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng “phi mã” nhiều bà nội trợ chỉ biết than thở.
“Ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập đã giảm, giờ xăng dầu tăng nên cái gì cũng tăng thì chịu sao nổi. Tôi cầm vài trăm ngàn đồng đi chợ mà mới mua đươc chút đã thấy hết sạch tiền. Cứ tình trạng này trước khi đi chợ phải tính toán, cân nhắc và lựa chọn kỹ để mua cho vừa túi tiền”, bà Phạm Thu Trang (đường Nguyễn Minh Khai, Quận 3) vẻ mặt buồn buồn nói.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xăng dầu tăng giá bắt buộc vận tải phải tăng vì xăng dầu chiếm 20 - 45% giá thành vận tải. Hệ lụy, hàng loạt mặt hàng cũng đua nhau tăng giá theo. Mặt băng giá mới được thiết lập cao hơn trước. Cuối cùng, người tiêu dùng chính là người bị tác động nhiều nhất.
Trong khi, hàng hóa tại chợ truyền thống thi nhau tăng giá thì tại các hệ thống siêu thị hiện đại lại có nhiều chương trình khuyến mãi, hoặc giảm giá. Trong tháng 2/2022 hệ thống Saigon Co.op áp dụng chương trình giảm giá đến 50% cho khoảng 2.000 sản phẩm từ 5 nhóm hàng.
Cụ thể, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm - hóa mỹ phẩm, may mặc thời trang và dụng cụ nhà bếp - hàng gia dụng.
Tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, và các siêu thị Tops Market nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng được triển khai.
Ông Vũ Thanh Tân, đại diện Central Retail tại Việt Nam cho hay, do đã chuẩn bị nhằm bình ổn thị trường, từ trước Tết, Central Retail đã đàm phán với các nhà cung cấp và cam kết đảm bảo giá cả các mặt hàng này vẫn ổn định, không xảy ra trường hợp hụt hàng hay đội giá.