TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực xóa 'nút cổ chai' cửa ngõ phía Tây
Mặc dù có 3 tuyến quốc lộ 1A,50,22 cùng 1 tuyến cao tốc để đi từ TPHCM về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) cùng nhiều trục đường khác nhưng thời gian qua, tình trạng ùn tắc kẹt xe dịp lễ tết, cuối tuần ở khu vực này diễn ra khá phức tạp. Trong đó đoạn quốc lộ 1A đi qua huyện Bình Chánh (TPHCM) hay Bến Lức (Long An) cùng đoạn quốc lộ 50 qua Bình Chánh, nút vào cao tốc TPHCM - Trung Lương... là những điểm đen ùn tắc.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 nhằm tăng cường năng lực khai thác tuyến đường trục liên kết TPHCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến trục chính, vành đai của thành phố. Qua đó, phát huy hiệu quả các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết, dự án này có chiều dài khoảng 7km, quy mô 6 làn xe hỗn hợp sẽ được hoàn thành trước năm 2024 với tổng số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng. Có thể nói, nếu mở rộng được khu vực trên, trục quốc lộ 50 sẽ giúp giảm tải đáng kể lượng phương tiện di chuyển từ TPHCM đi các tỉnh Long An, Tiền Giang và kết nối trực tiếp vào tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng.
Trong khi đó, dự án cải tạo tuyến quốc lộ 1A, trục đường chính từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây dù có kế hoạch từ rất lâu nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được. Đoạn đường dài khoảng gần 10km đi qua địa bàn huyện Bình Chánh giáp ranh với tỉnh Long An luôn là điểm đen do quy mô khá nhỏ, chỉ 2 làn xe hỗn hợp/chiều. Ngoài ra mặt đường chất lượng xấu, thường xuyên hư hỏng lồi lõm cũng khiến việc di chuyển khó khăn. Cuối cùng, áp lực nhất chính là trục cao tốc TPHCM-Trung Lương với tình trạng quá tải ở nút vào và đường dẫn. Do số lượng phương tiện ô tô thời gian gần đây tăng rất nhanh cùng việc tạm dừng thu phí khiến lượng phương tiện di chuyển gia tăng lớn. Kế hoạch mở rộng tuyến cao tốc này đã được lên kế hoạch nhưng chưa phê duyệt. Trong khi đó, trục cao tốc từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã và đang được nối dài khiến áp lực ở phía nút TPHCM là cực lớn. Trước đó, tuyến cao tốc chỉ tới tỉnh Tiền Giang (dài khoảng 64km) nhưng hiện nay đã được kéo dài thêm 51km và chuẩn bị hoàn thành thêm một số đoạn nữa. Việc chiều dài trục cao tốc này tăng lên khiến các phương tiện nhiều hơn, gia tăng áp lực cho TPHCM. Tuy nhiên, việc nâng cấp và mở rộng tuyến cao tốc này chắc chắn sẽ diễn ra sau năm 2025 do TPHCM và ngành giao thông đang dồn nguồn lực thực hiện các đoạn cao tốc khác cũng như trục đường Vành đai 3 quan trọng.