1. Trang chủ /
  2. TP HỒ CHÍ MINH: Nỗi lo nước giếng nhiễm bẩn

TP HỒ CHÍ MINH: Nỗi lo nước giếng nhiễm bẩn

thứ ba, 20/9/2022 11:21 GMT+07
Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh, đặc biệt tại một số khu nhà trọ vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan. Trong khi đó, 98% trong 160 mẫu nước giếng khoan được lấy xét nghiệm năm 2021 không đạt chuẩn vệ sinh.

Thực trạng nhiều năm

Tại cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội TP HCM mới đây, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM - công bố những chỉ số kiểm nghiệm nước giếng được khảo sát trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2021, 98% trong 160 mẫu nước giếng khoan được lấy xét nghiệm không đạt về chỉ tiêu pH và Clo dư (hai chỉ tiêu cơ bản về hóa lý đối với nước sinh hoạt), khoảng 15% mẫu không đạt về vi sinh.

Kết quả giám sát 120 mẫu nước giếng 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy 100% mẫu không đạt về chỉ tiêu pH và Clo dư, 15,8% không đạt chỉ tiêu về vi sinh.

Thực tế, việc nước giếng TP HCM nhiễm bẩn đã là vấn đề được cảnh báo từ nhiều năm trước. Kết quả kiểm nghiệm nước giếng trên địa bàn TP HCM từ năm 2017 được công bố bởi Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho thấy, hơn 50% các mẫu nước giếng người dân tự khai thác sử dụng được kiểm tra đều không đạt chỉ tiêu cả hóa lý và vi sinh. Các mẫu nước giếng được kiểm tra hầu như có độ PH thấp, không đạt chỉ tiêu hàm lượng Amoni, E.coli, Coliform tổng số.

Nguyên nhân nguồn nước giếng TP HCM ô nhiễm do nước thải thấm vào nước ngầm, hoặc do bản thân nước lưu trữ sản sinh vi khuẩn. Đặc biệt là tại các khu vực có nhiều khu công nghiệp, nơi sản xuất xả thải hoặc các bãi tập kết rác. Theo các chuyên gia, việc nước giếng không đạt chuẩn vi sinh và hoá sinh dễ gây ra các tác hại cho sức khoẻ như các vấn đề về bệnh ngoài da, đường ruột, nhiễm trùng đường tiêu hoá, gây thiếu ô xy trong máu, nguy cơ ung thư...

Những năm qua, đứng trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cho người dân cũng như mối nguy cạn kiệt nguồn nước ngầm, TP HCM đã có chủ trương giảm, hạn chế khai thác nước ngầm thông qua những biện pháp tuyên truyền phổ biến người dân, khuyến khích dùng nước máy. Cạnh đó, TP HCM đặt ra mục tiêu trong năm 2022 giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,46% và duy trì tỉ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Thành phố cũng lên phương án tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước.

Với nỗ lực của thành phố, số lượng giếng khoan trên địa bàn thành phố có giảm tương đối. Năm 2016, số giếng khoan trên địa bàn thành phố là xấp xỉ 200.000. Thống kê, năm 2019 cho thấy có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với tổng lượng nước khai thác hơn 680.000m3/ngày đêm. Đến nay, con số này đã giảm bớt phần nào, nhưng số giếng khoan vẫn còn không ít. Điều này là do thói quen sinh hoạt của một bộ phận người dân thành phố, cộng với việc xài nước giếng khoan ít tốn kém hơn nên nhiều người dân không muốn thay đổi.

Nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe

Bên cạnh những hộ dân không muốn thay đổi thói quen sử dụng nước giếng sang nước máy, có một đối tượng người dân khác phải dùng nước giếng “bị động”, tại nhiều nhà trọ trên địa bàn TP HCM.

Các khu nhà trọ, đặc biệt vùng ven thành phố là nơi thường sử dụng nước giếng khoan nhiều nhất. Lý do là giếng khoan không tốn nhiều chi phí, các chủ nhà trọ chỉ cần khoan một miệng giếng, lắp đường ống sau đó thu tiền nước của người thuê theo “đầu người” với giá bình dân để hưởng lợi. Cạnh đó, nhiều khu vực công nhân, người lao động ở trọ cũng chưa ý thức được mối nguy khi sử dụng nước giếng nhiễm bẩn nên vẫn vô tư sử dụng.

Chị Ngô Thị Thủy Tiên, lao động tự do, ở trọ tại khu nhà trọ 10 phòng dành cho công nhân tại đường Đông Hưng Thuận 11, quận 12 cho biết, ban đầu chị chọn khu nhà trọ này bởi mức giá cho thuê phòng và chi phí sinh hoạt rất rẻ. Giá thuê chỉ có 2 triệu/phòng, tiền điện tính theo giá nhà nước, còn tiền nước thì 35 ngàn/người. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, chị Tiên phát hiện nguồn nước giếng khoan của khu vực này “bất ổn”. Nước sử dụng giặt đồ khiến đồ ố vàng, các dụng cụ chứa nước và nền gạch nhà tắm cũng nhiễm vàng, đóng phèn. Nước có vị gắt, hơi tanh. Một thời gian sau chị Tiên có dấu hiệu rụng tóc và nổi mụn da. Đi khám ở bệnh viện da liễu, bác sĩ khuyên chị ngưng sử dụng nước giếng vì có lẽ nước giếng đã nhiễm khuẩn. Chị Tiên nhiều lần trao đổi với chủ nhà trọ về vấn đề này nhưng chủ nhà không đồng ý thay đổi và nói “cả khu này ai cũng xài có sao đâu, việc gì phải lắp nước máy cho tốn kém”. Lo ngại cho sức khỏe, chị Tiên đã chuyển sang trọ ở khu vực khác có nước máy sạch.

Dù sử dụng chủ động hay bị động, có thể thấy việc sử dụng nước giếng khoan lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng, gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật. Hy vọng thời gian tới, TP HCM sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền tác hại của việc dùng nước giếng nhiễm khuẩn đến rộng rãi người dân thành phố, tăng cường động viên, thuyết phục các hộ dân, các chủ nhà trọ chấm dứt sử dụng giếng khoan, tiến đến mục tiêu năm 2025 có 100% người dân thành phố sử dụng nước sạch.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 263 ra ngày 20/9/2022)