Trái phiếu doanh nghiệp dần hồi phục và niềm tin của các nhà đầu tư
Theo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), ngày 19/7 vừa qua, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đã chính thức được khai trương, dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hệ thống đi vào hoạt động sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường, nâng tính công khai, minh bạch, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thông tin về thị trường thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Tài chính cũng lưu ý nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường thứ cấp đó là nhà đầu tư phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải nắm bắt được các rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải là rủi ro của các tổ chức phân phối và nó cũng khác với tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư phải đánh giá được đầy đủ các rủi ro đó để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Để thị trường ngày càng vận hành tốt hơn trong thời gian tới, giải pháp quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Bởi có như vậy doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, qua đó sẽ có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Từ đầu năm đến ngày 28/7/2023, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh minh họa: BT)
Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để giúp thị trường minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành cũng như của nhà đầu tư trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ và phát triển hệ thống nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, đôn đốc các doanh nghiệp có nợ trái phiếu đến hạn thực hiện bằng được nghĩa vụ đối với nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật và nguyên tắc là lợi ích thì hài hòa, rủi ro khó khăn thì chia sẻ với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tích cực tuyên truyền tới các đối tượng tham gia thị trường để cho các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tình hình thị trường, khung khổ pháp lý và quyền, trách nhiệm của mình khi tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển nóng dẫn đến những khó khăn. Đó là những khó khăn liên quan đến nội tại của doanh nghiệp khi huy động lượng trái phiếu lớn trong khi việc sử dụng vốn chưa được hiệu quả. Bên cạnh đó là khó khăn do ngoại cảnh mang lại, như ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khó khăn của các nền kinh tế trên thế giới cũng tác động rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và khả năng trả nợ của doanh nghiệp nói riêng.
Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp rất quyết liệt để bình ổn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay, các bộ, ngành đã và đang nỗ lực tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không chỉ trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, mà còn triển khai các giải pháp đối với thị trường liên thông lẫn nhau với thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, tiền tệ.
Trong số các chính sách đã được ban hành, về mặt luật pháp có thể kể đến Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/3/2023 (Nghị định 08). Đây là nền tảng pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và nợ trái phiếu nói riêng. Kể từ khi Nghị định được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu thành công thông qua việc tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ và điều chỉnh tăng lãi suất lên để bù lại quyền lợi của nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc tái cơ cấu lại nợ trái phiếu. Việc doanh nghiệp chủ động đàm phán tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp cũng phần nào đã lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, bên cạnh đó cũng giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi.
Từ đầu năm đến ngày 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản, tiếp đến là tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, từ thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực đầu tháng 3/2023, hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành. Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng với khối lượng 6 tháng là 5.900 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu.