Tranh luận về một dịch vụ của Viện Tài nguyên và Môi trường biển: Kiểm nghiệm nước dằn tàu có cần Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép?
Loại dịch vụ nhằm ngăn chặn thủy sinh ngoại lai
Trong thời gian qua, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (số 246 phố Đà Nẵng, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã có dịch vụ lấy mẫu và thực hiện dịch vụ quan trắc mẫu nước dằn tàu cho các tàu quốc tế vào cảng Việt Nam. Mỗi mẫu nước được quan trắc dịch vụ với báo giá khoảng 2.000 USD (khoảng 47 triệu VNĐ).
Theo các chuyên gia, nước dằn tàu là yếu tố giúp một con tàu biển vận hành cân bằng ổn định khi hoạt động ở chế độ không có hàng hoặc ít hàng. Rất nhiều loài sinh vật biển được vận chuyển trong nước dằn tàu có thể sống sót khi được xả ra môi trường mới. Hay nói đơn giản, sinh vật có thể được tàu biển mang từ quốc gia này tới quốc gia khác trong nước dằn tàu. Từ loài sinh vật trung tính hoặc có ích, khi bị di chuyển đến nơi mới, chúng lại có thể trở thành loài xâm hại và là mối đe dọa lớn với hệ sinh thái và môi trường.
Việc đánh giá, kiểm soát các loại thuỷ sinh trong nước dằn tàu xả ra môi trường là hết sức quan trọng. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã thông qua Công ước quốc tế về quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn vào ngày 13/02/2004, có hiệu lực từ tháng 9/2017, nhằm ngăn chặn sự lan truyền xâm nhập của các loài thủy sinh có thể gây hại hệ sinh thái bản địa.
Theo tài liệu, trên kết quả quan trắc mẫu nước dằn tàu vào tháng 6/2022 được Viện trưởng Nguyễn Văn Quân và Tiến sĩ Lê Xuân Sinh ký, đơn vị tiến hành quan trắc các mẫu nước gồm mẫu nước xung quanh tàu và mẫu nước dằn tàu đổ thải ra môi trường. Trong đó, mẫu nước xung quanh tàu được tiến hành quan trắc với các chỉ số: nhiệt độ, độ mặn, độ pH, DO, TSS và so sánh với các tiêu chuẩn IMO quy định. Còn mẫu nước dằn tàu đổ thải ra môi trường được quan trắc dựa trên hai chỉ số động vật và thực vật thuỷ sinh.
Theo một số quan điểm, để có thể quan trắc với các chỉ số như độ pH, DO, TSS, đơn vị phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp GCN đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trả lời PLVN, ông Lê Xuân Sinh, Phó phòng Hóa học môi trường biển (cán bộ được Viện trưởng Nguyễn Văn Quân uỷ quyền trả lời báo chí - PV), Viện chưa được cấp GCN đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Nhiều quan điểm khác nhau
Ông Sinh nêu quan điểm, việc thực hiện dịch vụ quan trắc mẫu nước dằn tàu được thực hiện theo GCN đăng ký hoạt động thử nghiệm với tổng hợp đa ngành trong lĩnh vực: Hóa học và Sinh học do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho Viện vào tháng 12/2021. Ông Sinh cho rằng, mẫu nước dằn tàu thực chất là nước biển và thuộc danh mục các sản phẩm, hàng hóa đăng ký hoạt động thử nghiệm nói trên. Ngoài ra, Viện có phòng thí nghiệm đa dạng sinh học đạt chuẩn ISO để thực hiện quan trắc và phân tích mẫu nước dằn tàu.
Về giá dịch vụ, ông Sinh cho hay, hiện Viện báo giá công khai trên toàn quốc với việc quan trắc cho 1 mẫu nước dằn tàu là 1.950 USD với các tàu neo ở khu vực miền Bắc; 2.340 USD với các tàu neo ở khu vực miền Nam. Toàn bộ các hợp đồng dịch vụ được Viện trưởng Nguyễn Văn Quân ký và số tiền thanh toán chuyển về tài khoản của Viện.
Trước câu hỏi thời gian quan, đơn vị đã tiến hành dịch vụ quan trắc đối với bao nhiêu mẫu nước dằn tàu thì đại diện Viện từ chối trả lời.
Về vấn đề này, một chuyên gia môi trường nêu quan điểm: Nhiều tàu hoạt động tuyến quốc tế chỉ cần kết quả quan trắc mẫu nước dằn tàu được đối chiếu theo quy chuẩn của IMO để giao nộp cho cơ quan đăng kiểm. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, bất cứ hoạt động quan trắc môi trường của tổ chức kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường đều phải được thực hiện bởi các tổ chức được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Trước sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng có nhiều cách hiểu khác nhau về điều kiện được thực hiện dịch vụ kiểm nghiệm nước dằn tàu, nên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có giải thích, hướng dẫn cụ thể; để các đơn vị, DN, cá nhân thống nhất thực hiện cho đúng pháp luật.