1. Trang chủ /
  2. Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2021

Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2021

thứ ba, 16/11/2021 09:27 GMT+07
(PLM) - Ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2021.

Ông Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (thứ 3 từ phải sang); ông Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương trao giấy chứng nhận cho các tác giả xuất sắc có tác phẩm xuất đạt Giải Nhất của 4 loại hình báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình

Từ hơn 700 tác phẩm gửi về Ban tổ chức, Hội đồng Sơ khảo Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã lựa chọn được 89 tác phẩm vào vòng chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đã đề xuất 4 tác phẩm đoạt giải Nhất; 8 tác phẩm giải Nhì; 12 tác phẩm giải Ba và 38 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Hội đồng Chung khảo cũng đề xuất 3 nhân vật tiêu biểu trong 3 tác phẩm đoạt giải để trao giải Nhân vật tiêu biểu; 01 Giải Đặc biệt: được lựa chọn trong các tác phẩm đoạt giải Nhất của 4 loại hình.

Năm nay, Giải Đặc biệt được trao cho tác phẩm “Đi về phía tâm dịch” của nhóm tác giả Báo Lao động.

Bốn tác phẩm đoạt giải Nhất gồm: Loạt bài “Luân chuyển giáo viên” của nhóm tác giả Nguyễn Thế Lượng, Nguyễn Thị Nhung, Ngô Sỹ Điền, Nguyễn Tiến Việt (Báo Giáo dục và Thời đại)” – loại hình báo in; tác phẩm “Đi về phía tâm dịch” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Huyên, Nguyễn Thị Thùy Linh, Phạm Thị Thảo Anh, Hồ Anh Tú, Nguyễn Văn Thắng (Báo Lao Động) – loại hình báo điện tử; tác phẩm “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay” của tác giả Nguyễn Văn Quang (Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng) – loại hình phát thanh; tác phẩm “Những bữa cơm hạnh phúc” của nhóm tác giả Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam.

Ban Tổ chức cũng chọn được 3 nhân vật ấn tượng gồm: Vợ chồng A Kâm - nhân vật trong tác phẩm “Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm”, báo Thanh Niên; cô giáo Trương Thị Nhượng - nhân vật trong loạt bài “Người cố níu con chữ cho những đứa trẻ trên cao nguyên đá”, báo VietNamNet; ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - nhân vật trong tác phẩm "Trải thảm đỏ săn người giỏi về dạy học", báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh quốc Việt Nam - trao Bằng khen, giấy chứng nhận giải Đặc biệt

Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Qua đó, thể hiện sự dấn thân của tác giả trong quá trình tác nghiệp. Đáng chú ý, Giải đã thu hút sự tham gia đông đảo của các phóng viên, nhà báo chuyên và không chuyên, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến các địa phương.Qua đó cho thấy, sức hút của Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam", sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng của giải trong “làng báo” nói riêng và trong xã hội nói chung.

Nếu như năm trước, các tác giả, tác phẩm dự thi đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa Giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.

Ví dụ, tuyến bài “Trải thảm đỏ săn người giỏi về dạy học”. Trước bối cảnh đổi mới giáo dục ngày càng mạnh mẽ, nhiều địa phương mạnh dạn bứt phá, thay đổi cách làm trong việc tìm hướng đưa chất lượng giáo dục vươn lên. Nhấn mạnh yếu tố con người, liên tiếp 5 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức rất thành công các mô hình khuyến học, mời gọi và tuyển dụng người tài về dạy học, với chính sách nhất quán: tuyển dụng minh bạch, đối đãi tử tế. Sở GD&ĐT Quảng Nam đã thực hiện đúng phương châm đặt ra “Muốn có trò giỏi, hãy đầu tư trước tiên để có ông thầy giỏi. Một người thợ giỏi sẽ làm được một sản phẩm tốt nhưng người thầy giỏi sẽ tạo ra ngàn trò giỏi”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành khắp miền đất nước, khi giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, những tấm gương nhà giáo xung phong nơi tuyến đầu chống dịch, những nhà giáo vừa chống dịch vừa dạy học trực tuyến hiệu quả là những nốt nhạc cổ vũ, thắp nên hi vọng mới giữa những bi quan, tiêu cực. Đối mặt vô vàn khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành Giáo dục đã chủ động, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Rất nhiều tác phẩm phản ánh về cuộc chiến chống Covid-19. Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh được tạo nên bởi ý chí, sức mạnh của cả tập thể. “Khi Tổ quốc cần” – lắng nghe lời hiệu triệu từ chính trái tim mình, cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh khắp cả nước đã tham gia chống dịch. Ở họ, mỗi câu chuyện, mỗi đơn vị, tỉnh thành nhưng tất cả vì một khát vọng cống hiến. Trong đó, không ít đảng viên, quần chúng ưu tú có thêm môi trường để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.

Tác phẩm dự Giải năm nay có chủ đề phong phú và đa dạng, chất lượng tốt, phản ánh bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục. Một số tác phẩm được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, Emagazine. Hình ảnh giáo dục được phản ánh đều ở các vùng miền, ở thành phố, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những vấn đề giáo dục lớn được đề cập.

Về hình thức thể hiện, các tác phẩm dự Giải năm nay đều được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu. Các tác phẩm báo điện tử, báo in được thiết kế, trình bày đẹp, kỹ lưỡng. Nhiều tác phẩm báo điện tử được trình bày sáng tạo, sinh động và thân thiện dựa trên nền tảng đa phương tiện phổ biến, phát huy thế mạnh loại hình Long - form hay Emagazine. Nhiều tác phẩm truyền hình được chăm chút kỹ hậu kỳ, sáng tạo trong khâu thể hiện và cách dẫn dắt lôi cuốn. Các tác phẩm ở loại hình báo phát thanh được xử lý theo hình thức hiện đại, với cách đặt vấn đề và trình bày sinh động, hấp dẫn.

Không chỉ riêng Hội đồng giám khảo, mà các nhà giáo và dư luận xã hội đều ghi nhận, Giải năm nay có sự lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ những người làm báo chuyên và không chuyên trên mọi miền Tổ quốc; các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Qua đó, kịp thời thông tin, phản ánh đa chiều về lĩnh vực GDĐT. Có thể nói, các tác phẩm dự Giải đã góp phần cổ vũ, động viên rất lớn đến đội ngũngũ giáo viên, cán bộ cán bộ quản lý giáo dục. Từ đó, học có thêm động lực để làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức thường niên, thể hiện sự quan tâm của Bộ GDĐT đối với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước, bởi báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới. Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Thành công của Giải cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp GDĐT của nước nhà và vai trò đặc biệt quan trọng của GDĐT với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.