1. Trang chủ /
  2. Trẻ bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con

Trẻ bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con

thứ tư, 19/4/2023 12:02 GMT+07
Vụ việc nữ sinh lớp 10 (Nghệ An) nghi tự tử do bạo lực học đường đang làm dư luận bàng hoàng, tiếc nuối. Chuyên gia giáo dục chỉ cách giúp các bậc phụ huynh dạy con khi bị bắt nạt học đường
Chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương. Chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương.

Hãy để con trút hết tâm tư suy nghĩ, bực bội

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, có thể xảy ra ở bất cứ trường học nào, với bất kì học sinh nào. Theo chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, những học sinh bị bắt nạt thường sẽ phải đối diện với cảm giác bất an sợ sệt vì không chắc ngày hôm nay đi học con có gặp bất chắc gì không.

Với những trẻ yếu đuối, cảm giác này đeo bám có thể khiến các con bị trầm cảm. Khi áp lực tâm lý quá lớn, các con sẽ khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi. Vì thế, hoàn toàn có thể có các câu chuyện đau lòng xảy ra.

Trẻ bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con - Ảnh 2.
Chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương.

Theo TS. Vũ Thu Hương, các bậc phụ huynh khi phát hiện con em mình bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con, để cho con trút hết tâm tư suy nghĩ, bực bội.

Tuy nhiên, con phải là người tự chủ xử lý. Bố mẹ động viên con tự tìm phương án xử lý và tự mình xử. Bố mẹ không được tự tay xử lý hộ con mà để con tự làm. Bởi vì khi bố mẹ ra tay, bạn bè sẽ thấy con đang dựa vào bố mẹ. Đằng sau lưng bố mẹ, các bạn sẽ nghĩ ra cách để bắt nạt con hơn. Vì thế, các vụ bạo lực học đường càng khó được giải quyết.

Nếu con có thể tự xử lý được thì các bạn khác sẽ cảm thấy ngại và nghĩ con có năng lực tự vệ ổn. Khi đó, các bạn sẽ tránh xa và không dám gây sự với con nữa.

Hãy giáo dục con cách sống hòa đồng với bạn bè

Chuyên gia giáo dục chia sẻ: "Con gái tôi từng nói một câu rất đặc biệt: "Điều kiện tốt nhất để trưởng thành một đứa trẻ là không có gì cả". Câu nói nghe có vẻ ngược đời này đã phản ánh một hiện trạng trong quá trình chăm sóc và giáo dục con. Với các cháu được hỗ trợ quá nhiều, bản lĩnh của con sẽ kém. Vì thế, khi xảy ra những vụ việc khó xử lý, các con sẽ cảm thấy bất lực, mệt mỏi, khó chịu".

Theo TS. Vũ Thu Hương, chúng ta rất cảm thông và thương các con nhưng các bậc phụ huynh cần dũng cảm để các con tự xử lý. Các con cần tự xử tất cả những vấn đề dù nhỏ thì các con sẽ mạnh mẽ hơn.

Với các vấn đề từ công việc nhà, trách nhiệm cá nhân đến các khó khăn như bài tập khó, những kỳ thi căng thẳng... thì mỗi lần các con vượt qua được, bản lĩnh của con sẽ được nâng cao. Đến khi gặp các khó khăn như bị bắt nạt hay cô lập, con sẽ vượt qua một cách dễ dàng hơn.

"Trước khi chúng ta lo xử lý, ứng phó với bạo lực học đường, cha mẹ cần giáo dục con cách sống hòa đồng với bạn bè. Các con cần biết chia sẻ, cảm thông và tôn trọng bạn. Trường hợp con mình có tính cách gì xấu, khó ưa, chúng ta cần xử lý để cộng đồng chấp nhận và yêu thương con. Các con có nhiều bạn bè thì cũng ít nguy cơ bị bắt nạt hơn là khi con sống cô độc, ít bạn, ít giao tiếp".

Đối với nhà trường, theo TS. Vũ Thu Hương, bên cạnh các chuyên đề bàn luận về bắt nạt học đường, nhà trường cần tạo thêm nhiều các hoạt động để học sinh đỡ nhàm chán sinh ra các tâm trạng và hành vi xấu. Hơn nữa, dù xử xong một vụ nghiêm túc mà cuộc sống vẫn nhàm chán, các bạn sẽ vẫn có thể tiếp tục bắt nạt bạn khác nếu cuộc sống quá nhàm chán. Vì thế, cha mẹ và thầy cô cần phải làm phong phú hơn, nhiều hoạt động và mối quan tâm hơn cho các con.