1. Trang chủ /
  2. Triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn – Vang vọng còn lại”: Giới thiệu nền giáo dục triều Nguyễn qua hơn 100 tư liệu cổ

Triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn – Vang vọng còn lại”: Giới thiệu nền giáo dục triều Nguyễn qua hơn 100 tư liệu cổ

thứ ba, 31/8/2021 17:30 GMT+07
(PLM) - Nhân dịp khai giảng, chào đón năm học mới năm 2021,Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) sẽ mở triển lãm 3D trực tuyến tài liệu lưu trữ "Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại" với hơn 100 tư liệu cổ, quý giá giới thiệu về nền giáo dục triều Nguyễn.

Cuộc trưng bày sẽ ra mắt kể từ ngày 3/9, khán giả quan tâm có thể tìm và theo dõi trên website của Cục Văn thư và lưu trữ (archives.org.vn) và trang Facebook của Trung tâm (facebook.com/luutruquocgia1).

Triển lãm 3D tài liệu lưu trữ “Giáo dục triều Nguyễn  vang vọng còn lại” giới thiệu đến công chúng hơn 100 tài liệu đặc sắc về Giáo dục dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), được lựa chọn từ khối Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, cùng một số hình ảnh minh họa.

Ngày 29 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), các quan Nguyễn Xuân Thục, Nguyễn Đăng Tuân, Phan Huy Thực phụng Thượng dụ: Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, thương các Giám sinh phần lớn quê nhà xa xôi, học hành vất vả, lấy gì chống rét, truyền gia ơn phàm các Giám sinh tọa Giám mới và cũ, mỗi người thưởng 10 quan tiền để mua chăn đệm. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Ngày 29 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), các quan Nguyễn Xuân Thục, Nguyễn Đăng Tuân, Phan Huy Thực phụng Thượng dụ: Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, thương các Giám sinh phần lớn quê nhà xa xôi, học hành vất vả, lấy gì chống rét, truyền gia ơn phàm các Giám sinh tọa Giám mới và cũ, mỗi người thưởng 10 quan tiền để mua chăn đệm. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Triển lãm 3D tài liệu lưu trữ quốc gia về Giáo dục dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) gồm 5 chủ đề: Khai giảng, Trường học, Người thầy, Học tập - thi cử, Khuyến học - khuyến tài.

Chủ đề I: Khai giảng

Lễ khai giảng được tiến hành theo ngày tốt mà Khâm thiên giám chọn, sau ngày khai ấn.Công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng được thực hiện chu đáo. Ngày khai giảng ở Quốc Tử Giám diễn ra trang trọng. Quan Tế tửu dẫn theo toàn bộ thầy trò – mũ áo chỉnh tề lên Di Luân đường làm lễ yết cáo Tiên sư (Khổng Tử). Lễ Khai giảng dưới triều Nguyễn mang đậm dấu ấn thời đại lúc bấy giờ.

Chủ đề 2: Trường học

Dưới triều Nguyễn, hệ thống trường học công lập được mở rộng khắp từ Kinh đô đến các địa phương, tổ chức đến cấp huyện ở đồng bằng và cấp châu một số nơi ở miền núi. Hệ thống trường học hoạt động một cách quy củ, bài bản.

Chủ đề III: Người thầy

Qua Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn, có thể thấy trong xã hội xưa, người thầy có vị trí vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy lễ nghi, đạo lí, là tấm gương mẫu mực và được xã hội trọng vọng, đề cao.

Vì vậy, việc tuyển chọn người làm thầy luôn hướng đến tiêu chuẩn giỏi chữ nghĩa văn chương, đồng thời có đạo đức, khí tiết theo chuẩn mực trong quan niệm lúc bấy giờ, như lời dụ của hoàng đế Tự Đức “không câu nệ là người trong hạt hay người khác nha, thấy người tài đức nổi trội thì làm tập tâu đầy đủ dâng lên”.

Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn cũng đã lưu lại tên tuổi của nhiều người thầy tiêu biểu là tấm gương sáng ngời về đạo đức, khí tiết và học vấn uyên bác.

Chủ đề IV: Học tập - thi cử

Thi cử được coi là con đường để nhà vua tuyển chọn người ra giúp việc cho triều đình trong hoạt động trị nước. Triều Nguyễn đã kế thừa những kinh nghiệm và định chế về tổ chức khoa cử ở các triều đại trước, đồng thời cũng là triều đại hoàn thiện các hoạt động thi cử ở một bước cao hơn, để lại nhiều bài học quý giá cho hoạt động giáo dục và thi cử hiện nay.

Tính công bằng, nghiêm túc trong học hành, thi cử được đề cao. Đặc biệt, để đảm bảo sự công bằng, trong sạch trong kỳ thi, những người dự vào hội đồng thi, nếu có quan hệ thân thuộc với người dự thi phải khai báo để “hồi tị” (tránh né), nếu cố tình không khai báo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Chủ đề V: Khuyến học - khuyến tài

Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn cho thấy các vua triều Nguyễn rất coi trọng việc chiêu hiền đãi sĩ. Nhà vua ban sách vở, dầu đèn, cấp lương cho Giám sinh ăn học ở Quốc Tử Giám. Giám sinh ở xa quê được cấp tiền mua chăn đệm chống rét để đảm bảo sức khỏe. Triều Nguyễn còn là triều đại có chính sách khuyến học đối với dân tộc ít người.

Đình thần tuân lời Dụ bàn định rằng: “Quốc Tử giám hàng năm đầu xuân, sau ngày khai ấn 1 ngày thì khai giảng. Cuối năm, sau ngày xếp ấn 1 ngày thì bế giảng. Ngày khai giảng làm lễ xong, các quan nhà Giám đều đầy đủ áo mũ đến giảng đường, ngồi ngay ngắn ở gian giữa, các Giám sinh đều đầy đủ khăn áo ra sân cùng lạy, xong thì lên trường nghe giảng”. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Đình thần tuân lời Dụ bàn định rằng: “Quốc Tử giám hàng năm đầu xuân, sau ngày khai ấn 1 ngày thì khai giảng. Cuối năm, sau ngày xếp ấn 1 ngày thì bế giảng. Ngày khai giảng làm lễ xong, các quan nhà Giám đều đầy đủ áo mũ đến giảng đường, ngồi ngay ngắn ở gian giữa, các Giám sinh đều đầy đủ khăn áo ra sân cùng lạy, xong thì lên trường nghe giảng”. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Nền giáo dục xưa, trong đó có Giáo dục dưới triều Nguyễn (1802 - 1945) đã lùi xa nhưng tính công bằng nghiêm minh trong khoa cử, cách rèn luyện tinh thần học tập, cách tu dưỡng đạo đức nhân cách, hun đúc khí tiết cho con người... của người xưa vẫn là những giá trị có sức sống bền vững, lâu dài trong thời đại ngày nay.

Có thể bạn quan tâm