Trình diễn 100 bộ cổ phục và áo dài truyền thống Việt
Đây là hoạt động diễn ra trong ngày 23/11 tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm UNESCO hỗ trợ Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Các đơn vị phối hợp thực hiện phỏng dựng cổ phục bao gồm Cổ trang Đại Việt quán, Đại Việt Phong Hoa, Đa La Xước Phục, Đông Phong, V Styles, Z và N. Phần lớn thành viên của các đơn vị này đều là các bạn trẻ, tự tìm kiếm, nghiên cứu cổ phục để dựng nên những bộ đồ, phụ kiện, vũ khí thời xưa...
Theo ông Phan Đức Bình, đồng sáng lập câu lạc bộ Đại Việt Phong Hoa, tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kỳ phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt.
Có một số nghiên cứu cho rằng áo dài đã xuất hiện từ thời kỳ Đông Sơn. Qua những hình ảnh trên mặt chiếc trống đồng Đông Sơn cho thấy hình người Việt cổ thời đó đã mặc trang phục với hai tà áo xẻ đôi.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, đến những năm 1940 - 1950, "áo dài le mur" được hoạ sĩ Lê Phổ cải biến đã làm cho phong cách áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng nổi tiếng trong truyền thống nước nhà. Mẫu áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay.
Ông Phan Đức Bình cho biết, với lịch sử phát triển qua thời gian dài như vậy, chiếc áo dài Việt Nam đã hoàn thiện hơn bao giờ hết. Áo dài trở thành biểu tượng của nền văn hóa, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Áo dài không chỉ là một bộ trang phục đại diện cho một nền văn hóa, mà còn là cảm hứng sáng tác của nghệ thuật Việt Nam.
Ông Trần Huy Khôi - người sáng lập Đa La Xước Phục, một đơn vị làm về nghiên cứu và phỏng dựng cổ phục cho rằng, sự kiện trình diễn, giới thiệu cổ phục này là cơ hội tốt để quảng bá những sản phẩm văn hóa cũng như ghi nhận những nỗ lực của những người làm nghiên cứu, phỏng dựng trang phục cổ.
Hiện nay, các đơn vị đã có thu nhập từ việc cho thuê những trang phục, vật phẩm cổ phục. Khách hàng chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên, thanh niên, nhiều đám cưới cũng thuê bộ áo nhật bình, áo ngũ thân để chưng diện, tạo nên xu hướng mới nhưng đậm chất xưa cũ trong cuộc sống hiện đại.
Bên lề sự kiện, trong ngày 23/11 đã diễn ra các thảo luận về bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp có sản phẩm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của Việt Nam.
Một số bộ trang phục cổ và áo dài truyền thống cách điệu được trình diễn (Nguồn: Ảnh: Vietnam+)