TRỢ GIÚP PHÁP LÝ: 25 năm đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách
Sau 25 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước hoạt động TGPL đã thực sự đi vào đời sống mang lại hiệu quả thiết thực giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận công lý, đóng góp vào cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Bên cạnh đó, thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý của mình, TGPL còn là một trong những công cụ để Nhà nước thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người tại Việt Nam.
Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội
Nhìn lại 25 năm, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đạt nhiều thành tựu cơ bản. Pháp luật về TGPL ngày càng hoàn thiện, toàn diện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ và đáp ứng các cam kết quốc tế.
Từ Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, và trải qua hai lần xây dựng, sửa đổi Luật TGPL (Luật số 69/2006/QH11 và Luật số 11/2017/QH14), hiện nay, hệ thống văn bản về TGPL có 18 văn bản đang có hiệu lực pháp luật gồm: Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư liên tịch, Thông tư… Cùng với đó, nội dung về TGPL cũng đã được quy định trong các Bộ luật, luật khác có liên quan như Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự; Luật Tố tụng Hành chính; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật...
Mặt khác, các quy định của Luật TGPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cũng góp phần nội luật hóa ở mức độ cao các cam kết quốc tế (như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị...). Cùng đó, hiệu quả hoạt động TGPL trong những năm qua góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
TGPL ở Việt Nam ra đời từ nhu cầu giúp đỡ pháp luật của người nghèo và trong suốt quá trình hình thành, phát triển hoạt động TGPL luôn đồng hành cùng công tác giảm nghèo nói riêng và công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và đáp ứng nhu cầu tình hình thực tiễn, vào năm 2021 và năm 2022, TGPL đã được ghi nhận trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia: về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025…
Để triển khai nội dung TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia này, Bộ Tư pháp đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cùng với việc được xác định là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu phần nào đã khẳng định vai trò của hoạt động TGPL trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân
Một trong những thành tựu sau 25 năm là hệ thống TGPL được kiện toàn và tăng cường năng lực; người thực hiện TGPL ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp. Hiện nay đã có chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng 1. Hệ thống TGPL có 63 Trung tâm TGPL nhà nước với 1.233 viên chức, người lao động, trong đó 666 trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), 104 chi nhánh TGPL cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, hệ thống còn huy động được 670 luật sư, 38 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL; 180 tổ chức đăng ký tham gia TGPL và 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp.
Hiện nay, TGVPL là đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân. Tỷ lệ số lượng TGVPL trên tổng số người làm việc tại Trung tâm TGPL từng bước được nâng lên. Đến nay, tiêu chuẩn, điều kiện của TGVPL và luật sư là tương đồng. Các TGVPL đều đáp ứng các yêu cầu của đào tạo nghề và hạng chức danh (phải trải qua lớp đào tạo nghề, tập sự và đạt kết quả tại kỳ thi hết tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức mới được bổ nhiệm chức danh và hành nghề). Ngoài ra, hằng năm, ở Trung ương và địa phương đều tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL.
Đáng chú ý, hoạt động TGPL ngày càng hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Theo kết quả tổng hợp báo cáo công tác TGPL trong toàn quốc, từ năm 1997 đến hết tháng 6/2022, đã có hơn 2,3 triệu lượt người được TGPL. Riêng từ năm 2018 đến tháng 6/2022, triển khai Luật TGPL năm 2017, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thực hiện được 146.149 vụ việc TGPL (trong đó có 67.107 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 45,91%) cho người nghèo, trẻ em, người có công với cách mạng,... và các nhóm người được TGPL khác.
Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID19, hệ thống TGPL đã nỗ lực, chủ động trong tiếp cận vụ việc và triển khai các hoạt động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người được TGPL.
Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên. Việc đánh giá, thẩm định chất lượng được triển khai thực hiện bài bản hơn, hầu hết các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên. Trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành các tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng TGPL thành công làm cơ sở để địa phương xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công.
Theo tổng hợp báo cáo địa phương từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021, có 16.441 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, trong đó TGVPL thực hiện 13.808 vụ việc (chiếm 83,98%). Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng lợi cho người được TGPL như được tăng mức bồi thường thiệt hại, hay được tuyên mức án nhẹ hơn, hoặc chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát, thậm chí được vô tội.
Bên cạnh đó, công tác TGPL còn đạt được nhiều kết quả khác như công tác phối hợp được tăng cường, thực hiện hiệu quả; việc hợp tác quốc tế về TGPL được đẩy mạnh…
Tiếp tục lấy người được TGPL làm trung tâm
Trước yêu cầu triển khai hiệu quả tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về “nâng cao chất lượng dịch vụ công”, “đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp”, trong thời gian tới, cần tiếp tục lấy người được TGPL làm trung tâm, bảo đảm giúp người dân tiếp cận hoạt động TGPL kịp thời, thuận lợi, có chất lượng và ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại; khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động TGPL - một trong những thiết chế bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho một bộ phận lớn người dân trong xã hội (khoảng 45% dân số), qua đó, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp nói riêng, trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung.
Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, đề xuất một số định hướng cụ thể để phát triển bền vững công tác TGPL. Theo đó, tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực Trung tâm TGPL nhà nước tương xứng với vị trí là đơn vị cung cấp sự nghiệp công thiết yếu. Nghiên cứu thay đổi tên gọi chức danh TGVPL thành luật sư công/luật sư TGPL để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước. Triển khai hiệu quả hoạt động TGPL và tạo sự đồng bộ với các hoạt động khác trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tập trung thực hiện vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL; tăng cường giám sát, quản lý chất lượng, hiệu quả dịch vụ TGPL. Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương về giới thiệu, nhu cầu TGPL, thực hiện TGPL,... Có phương thức truyền thông hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về TGPL của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ TGPL. Tích cực hợp tác quốc tế về TGPL, triển khai hiệu quả các dự án, chương trình với các đối tác quốc tế, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về TGPL.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 249 ra ngày 6/9/2022)