TRUNG DU, MIỀN NÚI BẮC BỘ: Hướng tới hình mẫu phát triển xanh
“Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn”, Thủ tướng lưu ý. Cùng dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và 5 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; các tổ chức quốc tế; các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã khái quát những nội dung chính về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Trong đó có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển; là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Trong thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, họp với các địa phương trong vùng để bàn các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng và toàn vùng. Nhờ đó, tăng trưởng GRDP trong vùng không ngừng được cải thiện, đều đạt mức cao nhất cả nước; bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt khoảng 9,3%. Quy mô GRDP đạt 688,9 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 54,1 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 37 (2.000 USD). Mức độ tập trung kinh tế của vùng đạt 7,2 tỷ đồng/km2 , gấp 3,8 lần năm 2010. Xuất khẩu tăng mạnh, từ 3,3 tỷ USD năm 2013 lên đến 41,7 tỷ USD năm 2020; tốc độ tăng trưởng đạt 57,8%/năm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh, quốc phòng, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn trọng yếu được tăng cường; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của vùng chưa cao. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch còn chậm. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Là vùng trũng trong phát triển, là “lõi nghèo” của cả nước...
Vấn đề trọng tâm, quyết định là nguồn lực con người
Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng cho biết: Đảng, Nhà nước đã có đầy đủ và đúng đắn các chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, hành động phát triển kinh tế -xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện thật tốt, không để xảy ra tình trạng “khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, cách làm tốt; uốn nắn, chấn chỉnh đối với những yếu kém, thiếu sót.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành; tập trung phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.
Để tạo sức bật mới cho vùng, Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương cần xác định rõ các yếu tố nền tảng, mang tính động lực phát triển, trong đó vấn đề trọng tâm, quyết định là yếu tố nguồn lực con người với các cơ chế, chính sách phù hợp. Cơ chế, chính sách là nguồn lực tự thân, là nội lực, không thể đi vay mượn, không thể trông chờ ở các cấp khác làm thay mà cần sự chủ động của vùng, của địa phương.
Thủ tướng yêu cầu khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Chúng ta phải xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; là phòng tuyến về hợp tác, phát triển kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.
“Sáng 28/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Lào Cai nêu 12 kiến nghị cụ thể thuộc 3 nhóm vấn đề. Nổi bật là các kiến nghị về cơ chế, khơi thông phát triển, tăng tính liên kết vùng trung du, miền núi phía Bắc; chính sách đặc thù cho phát triển vùng; về phát triển khu vực cửa khẩu, biên giới tỉnh Lào Cai.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tỉnh Lào Cai cũng phải chủ động, tích cực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; góp phần xây dựng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng phòng tuyến hợp tác và phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”.
Cũng trong chuyến công tác Lào Cai, Thủ tướng đã tới khảo sát Dự án Cảng Hàng không Sa Pa; kiểm tra Dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; thị sát Khu hợp tác kinh tế qua biên giới của tỉnh Lào Cai; thăm, tặng quà gia đình chính sách tại thành phố Lào Cai và huyện Bảo Yên; dự chương trình nghệ thuật Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022…”
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2022)