1. Trang chủ /
  2. TỪNG CHÍNH SÁCH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG: Rà soát, đánh giá kỹ tác động

TỪNG CHÍNH SÁCH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG: Rà soát, đánh giá kỹ tác động

thứ ba, 20/9/2022 06:10 GMT+07
Đây là ý kiến được các đại biểu nhấn mạnh tại Phiên họp chuyên đề pháp luật diễn ra ngày 19/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp.

Đảm bảo không “đẻ” thêm các thủ tục, quy trình, điều kiện

Trình bày tờ trình tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng 19/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xây dựng và ban hành luật trong thời điểm này là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. 

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp kéo dài trong 5,5 ngày làm việc; chủ yếu tập trung cho công tác lập pháp. Tại phiên họp UBTVQH sẽ xem xét 17 nội dung, gồm bảy dự án Luật, năm dự thảo Nghị quyết, bốn chuyên đề giám sát và một nội dung về vấn đề quan trọng để trình QH. Tại phiên họp, UBTVQH sẽ lần đầu cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Chủ tịch QH cho hay, dự án nghị quyết này có 2 phần, một là UBTVQH sẽ xem xét về các chính sách và quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH trong năm 2022. Nếu được chấp thuận, UBTVQH cũng xem xét về nội dung của dự thảo Nghị quyết để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và các điều kiện để trình QH xem xét, cho ý kiến.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, giao dịch điện tử thực chất là một phương cách để thực hiện giao dịch. Do đó, cùng với việc phải tạo thuận lợi cho người dân, cần đảm bảo không “đẻ” thêm các thủ tục, quy trình, điều kiện bắt buộc. “Ví dụ như đã số rồi, khi giao dịch lại bảo xuất trình bản giấy cho tôi đối chiếu xem xét lại”, Chủ tịch QH nói, đồng thời đề nghị cân nhắc mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi. Chủ tịch QH nhấn mạnh, mở rộng là xu hướng đúng nhưng cũng cần nói thêm về kinh nghiệm thế giới, về lộ trình, cân nhắc phạm vi. Trong một số lĩnh vực rất quan trọng như giao dịch điện tử trong hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử, lĩnh vực tài chính ngân hàng có đặc thù… thì cần thiết có những quy định riêng hoặc có những quy định khung để sau này làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết hơn.

Liên quan đến sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ tịch QH nêu rõ nguyên tắc “bất di, bất dịch” là không được dùng luật này để sửa đổi, bổ sung về các nội hàm, nội dung mà những luật khác đã quy định. Do đó, Chủ tịch QH đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại, thống kê, phân tích, đánh giá rất rõ luật này liên quan đến bao nhiêu luật, liên quan đến các nội dung gì để tránh khả năng từ phương thức giao dịch điện tử lại “đẻ ra” nội dung, thủ tục khác.

Cũng tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong điều kiện thế giới công nghệ phát triển rất nhanh hiện nay nhưng Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc nếu triển khai thực hiện các quy định để đảm bảo tính khả thi của Luật và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.

Tổng kết, đánh giá kỹ về Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, Chủ tịch QH đề nghị đánh giá lại căn cơ quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá; đánh giá thực tiễn và rà soát lại các nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý giá, định giá. “Theo Hiến pháp, can thiệp của Nhà nước ảnh hưởng đến người dân, kinh doanh của doanh nghiệp phải điều chỉnh bằng luật. Việc thay đổi phân công, phân cấp không thể tuỳ tiện, mà phải có nguyên tắc. Ví dụ, mặt hàng sách giáo khoa đụng chạm tới hàng chục triệu người, làm sao tùy tiện được, phải có luật quy định”, Chủ tịch QH nêu rõ.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ đề xuất duy trì Quỹ này. Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ; cho rằng, tại thời điểm hiện nay, khi giá xăng dầu thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày) thì trước mắt vẫn cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm; việc điều hành Quỹ này đòi hỏi linh hoạt hơn nữa. Trong tổ chức thực hiện, cần tăng cường trách nhiệm quản lý; tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế. Một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch QH đề nghị nên tổng kết, đánh giá đầy đủ về Quỹ. “Đây là công cụ để bình ổn, nếu bỏ đi thì cần có phần đánh giá. Bỏ Quỹ thì bình ổn bằng cách gì, có phương pháp để bình ổn, giữ thì ra sao?”, Chủ tịch QH nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị đánh giá về tổ chức, hoạt động, tác động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong các đợt tăng giá xăng dầu thời gian qua trước khi đề nghị giữ hay bỏ Quỹ. Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ như quy định hiện hành, theo đó quy định nội dung này trong Luật, giao UBTVQH quyết định việc điều chỉnh, thay vì giao Chính phủ quy định như dự thảo Luật. Bà Nga cũng đồng ý đưa sách giáo khoa vào diện Nhà nước định giá vì sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến đời sống người dân.