Tuyên Quang: Doanh nghiệp rầm rộ khai thác vận chuyển khoáng sản, người dân gửi đơn đề nghị xử lý
Thời gian gần đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư của ông Dương Văn Lập, SN 1964 cùng đông đảo bà con trú tại thôn Trung Thành 2, xã Thành Long, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), nội dung phản ánh việc khai thác khoáng sản trên đất lâm nghiệp, vận chuyển quá tải gây hư hỏng hạ tầng đường xá, ô nhiễm cảnh quan môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân.
Theo đơn tập thể của người dân, khoảng gần 20 ha đất trồng cây do các hộ gia đình khai phá sử dụng ổn định 35 năm nay, không hề có tranh chấp khiếu kiện, chỉ tới khi Công ty TNHH Hoa Đạt khai thác vận chuyển khoáng sản một cách rầm rộ, thì cuộc sống của họ mới bị đảo lộn.
Hàng loạt vụ khiếu kiện kéo dài dẫn đến xô xát do đền bù không thỏa đáng, nhiều năm nay chưa được xử lý dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, chị Dương Thị Thúy Hồng trú tại thôn Cây Đa, xã Thành Long bức xúc khẳng định: "Người dân chúng tôi mong mỏi được làm sáng tỏ việc thu hồi đất thuộc lô khoảnh nào, của ai, vào thời điểm nào và ai là người ký quyết định thu hồi đó, nhưng hỏi mãi cũng không thấy cơ quan nào trả lời, dù chỉ là văn bản phô tô. Người ta chỉ nói miệng là có đủ hết các thủ tục của tỉnh thu hồi đất của dân và giao lại cho họ .
Mâu thuẫn đẩy cao tới đỉnh điểm là tháng 12/2019, khi doanh nghiệp này đưa máy móc thiết bị máy móc vào mà không hề đưa ra một tài liệu chứng cứ nào thể hiện việc thu hồi, đền bù đất đai dẫn tới xô xát.
Chúng tôi gửi đơn thư về tận Trung ương rồi về tỉnh đề nghị giải quyết nhưng không hiểu sao vẫn chưa được xem xét giải quyết một cách thấu đáo".
Đơn thư của người dân xã Thanh Long.
Ông Dương Đình T - Nguyên trưởng thôn Trung Thành 3 (cũ) cho biết : "Việc khai thác khoáng sản của Công ty Hoa Đạt cũng gây ảnh hưởng rất lớn về nguồn nước.
Hiện nay các ruộng lúa bị ảnh hưởng bùn đất có canh tác được đâu, tôi có 3 sào ruộng gắn liền với đất tổng cộng khoảng 5 nghìn m2 phải bán lại cho mỏ với giá 430 triệu đồng, nhiều người khác cũng bán ruộng bán đất để Công ty Hoa Đạt san lấp làm bãi đỗ xe."
Qua quan sát và ghi nhận thực tế vào ngày 19/6/2022, tại địa bàn xã Thành Long thì suốt chặng đường từ quốc lộ 2 vào tới thôn Trung Thành và điểm mỏ khai thác, phóng viên không hề thấy bất cư một biển báo thể hiện tên công ty, tên điểm mỏ thời gian, trữ lượng khai thác cũng như các nội quy theo quy định.
Mặc dù đang trong thời gian tranh chấp, nhiều hộ dân mới chỉ nhận được tiền công chăm sóc cây trồng, còn đất đai bị thu trắng vẫn đang kiến nghị tới các cấp, và đang trong quá trình xem xét xử lý.
Nhưng mỗi ngày từng đoàn xe hàng chục chiếc cơi nới thành thùng, đắp cao có ngọn vẫn gào rú, ì ạch bò từ điểm khai thác không tên này ra, kéo theo bùn đất bụi bặm, vượt quá tải đè nén con đường liên xã gây hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đời sống sinh hoạt người dân nơi đây.
Trao đổi với PV Báo pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Việt Phương - Trưởng phòng TN&MT huyện Hàm Yên khẳng định: "Huyện không nhận được bất cứ phản ánh nào từ phía người dân, về tình trạng tranh chấp đất đai.
Mỏ này là được Bộ TN&MT cấp, việc đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn tất đi vào hoạt động từ lâu rồi, không có chuyện người dân thắc mắc về việc đền bù đất mà chắc họ phản ánh về bụi bặm trên đường"
Khi được hỏi huyện đã kiểm tra lập biên bản hoặc xử lý về môi trường đối với Công ty TNHH hoa Đạt lần nào chưa? Ông Phương cho hay: "Đã có các đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT và tỉnh Tuyên Quang cũng như huyện Hàm Yên, nhưng đã xử lý hành chính hay chưa thì phải để tôi xem lại và trả lời sau..."
Báo pháp luật Việt nam đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh đơn thư phản ánh của người dân.
Đồng thời xem xét việc mua bán san lấp đất ruộng cũng như khai thác khoáng sản trên đất lâm nghiệp, vận chuyển quá tải gây ô nhiễm môi trường gây hư hỏng hạ tầng giao thông của Công ty Hoa Đạt, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.