1. Trang chủ /
  2. Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Cảnh giác trước 'ma trận' luyện thi

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Cảnh giác trước 'ma trận' luyện thi

thứ sáu, 4/3/2022 17:40 GMT+07
(PLM) - Năm 2022, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, những thí sinh muốn xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng vào các trường đại học (ĐH) yêu thích có thể phải thi tối đa tới 4 đợt. Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên lo lắng nóng vội, tránh mất tiền oan với các chiêu trò luyện thi.
Thí sinh cần bình tĩnh, không học tủ, học lệch. (Ảnh minh họa) Thí sinh cần bình tĩnh, không học tủ, học lệch. (Ảnh minh họa)

Cảnh giác trước các “ma trận” chiêu trò

Đến thời điểm này, kỳ thi đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã có 50 trường ĐH đăng ký lấy kết quả tuyển sinh trong năm nay. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM năm nay có tới 80 trường ĐH phía Nam lấy kết quả để xét tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có nhiều trường ĐH thông tin sẽ lấy kết quả. Chỉ với 3 kỳ thi trên đã thu hút được khoảng 150 trường ĐH đăng ký lấy kết quả xét tuyển sinh với số lượng hàng trăm ngàn thí sinh và chắc chắn số đăng ký sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Theo các thầy cô và học sinh lớp 12, chỉ cần một click chuột là thấy vô số “ma trận” các hội nhóm, trung tâm luyện thi… Một trung tâm quảng cáo khoá luyện thi với bộ đề được biên soạn bởi ban chuyên môn của trung tâm, bám sát cấu trúc đề minh họa đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022, đảm bảo đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Bộ đề gồm 16 đề luyện thi có lời giải chi tiết và giá là 499.000 đồng. Một trung tâm luyện thi khác thì chốt “bứt tốc về đích” trong 90 ngày....

Có trung tâm còn khẳng định là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cung cấp hình thức luyện thi toàn diện với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và cam kết mục tiêu chinh phục 120+/200 điểm. Khóa luyện thi được chia thành hai loại hình để thí sinh lựa chọn. Khóa video bài giảng là 900.0000 đồng, khóa livestream là 1.350.000 đồng…

Mới đây, Trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CET) bắt đầu mở cổng thông tin cho phép thí sinh có nhu cầu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực 2022 vào đăng ký tài khoản. Do hệ thống mới được vận hành nên nhiều thí sinh khi điền sai thông tin đã gặp khó khăn trong việc sửa lại. Lợi dụng tình hình đó, có cá nhân đứng ra làm môi giới giúp thí sinh sửa thông tin, với mức “phí hỗ trợ” 200.000 đồng/thí sinh. Thông tin này được rao trong nhóm Zalo có tên “Ôn luyện đánh giá năng lực ĐH QGHN-HCM”, kèm theo số tài khoản nhận tiền và hướng dẫn cú pháp tin nhắn trong lệnh chuyển tiền. Nhận được phản ánh của thí sinh về việc này, ngay lập tức, Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CET) phát thông báo khẩn, khuyến cáo thí sinh không để bị kẻ xấu lừa.

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc VNU-CET, thông báo khẩn mà trung tâm gửi đến thí sinh không phải chỉ để cảnh báo một vụ việc cụ thể vừa xảy ra mà còn để các em cảnh giác với các chiêu lừa đảo khác nếu có trong tương lai. Ông Thảo cho biết VNU-CET mới chỉ mở cổng để thí sinh đăng ký tài khoản, chưa mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực. Sắp tới, khi chốt được lịch thi đợt đầu tiên, trung tâm sẽ mở cổng để thí sinh đăng ký dự thi (tối thiểu 15 ngày trước thời điểm tổ chức thi đợt đầu tiên).

Khi đăng ký, thí sinh lưu ý 2 thông tin quan trọng nhất cần khai chính xác là họ tên và số căn cước công dân. Sau khi nộp lệ phí, thí sinh không thể sửa thông tin trên hệ thống. Tuy nhiên, nếu lỡ khai sai, thí sinh cũng không cần quá lo lắng, vì sẽ có cơ hội sửa khi đến dự thi trực tiếp. Ông Thảo thông tin, thí sinh dự thi chỉ phải đóng khoản duy nhất là lệ phí thi 300.000 đồng/lượt/thí sinh. Thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn lệ phí thi.

Không học tủ, học lệch, học thêm

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, những trang web nhân danh ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo công bố đề thi mẫu của kỳ thi đánh giá tư duy, ôn tập, ôn luyện, mẹo làm bài… đều giả mạo. Ông cũng nói rõ một số nơi còn bán sách ôn thi đặt những tên rất kêu, kiểu như “tốc chiến luyện đề đánh giá tư duy”, trong đó đưa ra các mẫu đề đều của những người soạn sách tự soạn (hoặc sưu tầm), hoàn toàn không phải mẫu đề của ĐH Bách khoa Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: “Tôi nhấn mạnh một lần nữa, kỳ thi đánh giá tư duy không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm. Mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn thí sinh có năng lực tư duy tốt, phù hợp với các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ…”.

Mấy năm nay, ĐH Quốc gia TP HCM cũng thường xuyên phải cảnh báo thí sinh tình trạng các website hay fanpage giả mạo mời gọi thí sinh tham gia luyện thi, thi thử đề thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để thu tiền. Nhiều trang web giả mạo còn tự ý gắn logo của ĐH Quốc gia TP HCM để công bố thông tin về đề thi, luyện thi hay thi thử để tăng độ tin cậy.

Việc các trung tâm luyện thi với đủ các chiêu trò quảng cáo, theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra giấy phép đăng ký mới biết được, còn thí sinh khó có thể biết thực hư thế nào. Bởi đánh giá năng lực là bài thi đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT, không phải là bài thi kiểm tra kiến thức. Thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông là có thể làm tốt. Hơn nữa, bài thi được xây dựng từ nguồn ngân hàng câu hỏi lớn nên xác suất trùng lặp là vô cùng thấp.

“Việc ôn luyện chỉ mang lại tâm lý cho thí sinh chứ khó làm tăng điểm bài thi. Cách tốt nhất là thí sinh làm đề tham khảo trực tuyến trước khi đăng ký dự thi và trước ngày đi thi”, GS Thảo nhấn mạnh. Ông Thảo cũng lưu ý, Trung tâm cũng không tổ chức ôn luyện thi đánh giá năng lực dưới mọi hình thức.

Về phía ĐH Quốc gia TP HCM, đơn vị này cũng cam kết không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực. Trong mỗi đợt thi các năm trước, không thí sinh nào được phép mang đề thi ra khỏi phòng thi. Mỗi năm ĐH Quốc gia TP HCM chỉ công bố đề thi mẫu minh họa đánh giá năng lực. Do vậy thí sinh cần tham khảo những thông tin chính thống.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, tâm lý nhiều thí sinh cứ thi là tìm lò ôn luyện kể cả không thu được lợi ích gì. Hơn nữa, do thời gian qua, thí sinh phải học trực tuyến quá lâu nên càng sợ thi không đạt kết quả tốt. Để hỗ trợ thí sinh học và ôn tập đúng hướng, một số trường đại học chủ trì kỳ thi riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội (kỳ thi đánh giá tư duy), Đại học Quốc gia Hà Nội (kỳ thi đánh giá năng lực) đã công bố đề thi thử trên trang thông tin điện tử.

Theo các thầy cô và các thí sinh năm trước, với các kì thi này, thí sinh cần tự học hơn là tốn tiền vô bổ. Về cơ bản, các bạn học sinh cần phải giữ tâm thế thật bình tĩnh. Về bản chất, đề thi tốt nghiệp và đề Đánh giá năng lực vẫn chỉ bao gồm các kiến thức đã học trong sách giáo khoa. Cho nên, chỉ cần nắm chắc các nền tảng kiến thức căn bản, phát huy những kỹ năng đã học vào từng dạng đề thì có thể tự tin chinh phục bất kỳ kỳ thi nào...