Tuyển sinh đại học: Không thể ‘đẽo cày giữa đường’
Trường đại học gặp khó
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Bá - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Hòa Bình cho hay, năm nay bên cạnh việc ban hành quy chế tuyển sinh chậm trễ, Bộ GDĐT liên tục có những thay đổi, điều chỉnh liên quan tới công tác tuyển sinh gây khó khăn cho các trường.
Cụ thể là việc xét lọc ảo với nhiều nhóm xét tuyển, lùi thời gian nhập học của thí sinh làm ảnh hưởng tới công tác tổ chức đào tạo các trường, đặc biệt là các trường tốp dưới. Theo quy định của Bộ GDĐT, đến ngày 30/9 mới là thời gian thí sinh nhập học đợt 1. “Việc lùi thời gian này còn khiến thí sinh lung lay tư tưởng”, ông Bá nói.
Ông Bá mong muốn, quy chế tuyển sinh nên được giữ ổn định, lâu dài để các trường thực hiện không bị động.
Trước những điều chỉnh của mùa tuyển sinh năm nay, ông Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) cho rằng, kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học trong công tác triển khai, tư vấn, hướng dẫn cho thí sinh đã gặp những khó khăn nhất định vì bị động, chạy theo những thay đổi không biết trước của Bộ GDĐT.
Ông Nguyên cũng cho rằng, năm nay, thời gian thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng khá dài, hơn 1 tháng. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch năm học của các trường đại học.
Theo ông Nguyên, nếu hệ thống phần mềm của Bộ GDĐT đi vào hoạt động tốt thì chỉ cần quy định thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trong khoảng 15 đến 20 ngày. Thí sinh có thể vừa đăng ký điều chỉnh, vừa xác nhận nguyện vọng và hoàn thành nộp lệ phí trên hệ thống trong cùng một khoảng thời gian theo quy định, không nên tách ra nhiều công đoạn, nhiều khoảng thời gian.
Vì vậy, ông Nguyên bày tỏ mong muốn: “Năm sau, Bộ GDĐT sẽ có lộ trình kế hoạch hướng dẫn sớm hơn đến học sinh, các trường THPT, các cơ sở đào tạo và cộng đồng xã hội để thí sinh có thời gian hiểu rõ về quy trình kế hoạch và được hướng dẫn kịp thời hơn”.
Quy chế tuyển sinh nên có tính ổn định
Dưới góc độ chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) lại cho rằng việc kéo dài thời gian đăng ký xét tuyển là việc bình thường, không ảnh hưởng tới kế hoạch năm học như lo lắng của một số trường đại học.
Tuy nhiên, TS Khuyến e ngại, việc các trường có tới 20 phương án xét tuyển sẽ gây rối cho thí sinh, khó khăn trong công tác lọc ảo. Điều này dẫn tới tình trạng các trường sẽ kéo dài thời gian xét tuyển cho đủ chỉ tiêu. Đây là tình trạng diễn ra ở những mùa tuyển sinh trước. “Thuận lợi cho các trường nhưng lại thiệt cho người học”, TS Khuyến nói.
TS Khuyến cũng nhìn nhận, những điều chỉnh liên tục của mùa tuyển sinh năm nay được cho rằng tạo thuật lợi cho thí sinh nhưng thực tế lại làm khó các em. Nhiều em không nắm hết được các thông tin, quy định tuyển sinh với các mã tuyển sinh của 20 phương thức xét tuyển.
Kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, TS Khuyến nêu quan điểm, Bộ GDĐT đang rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Qua mỗi mùa tuyển sinh, dù khắc phục bất cập này lại vướng phải bất cập khác.
“Quy chế tuyển sinh nên có tính ổn định chứ không phải thay đổi liên tục không báo trước. Dù có điều chỉnh cũng cần dựa trên quan điểm nhất quán”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Để đảm bảo công tác xét tuyển được thực hiện đúng quy chế và diễn ra nghiêm túc, an toàn, chính xác, công bằng giữa các thí sinh và cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT tiếp tục lưu ý các cơ sở đào tạo, theo quy chế, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung tiến hành xử lý nguyện vọng xét tuyển, chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào cơ sở đào tạo khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà cơ sở đào tạo gửi lên Hệ thống.
Đối với cơ sở đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển, cần tiếp tục rà soát các nội dung: Dữ liệu xét tuyển sớm, dữ liệu điểm học bạ điện tử của thí sinh, kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với các điều kiện khác, đối tượng xét tuyển theo đánh giá năng lực,…
Bộ GDĐT cũng lưu ý các cơ sở đào tạo phải triệt để tuân thủ: Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào cơ sở đào tạo là danh sách thí sinh được Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại cơ sở đào tạo lần cuối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Theo quy định, đối với thí sinh đã đáp ứng đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, cơ sở đào tạo không được xét lại mà phải tải danh sách lên Hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các đối tượng xét tuyển khác.
“Để đảm bảo chính xác trong công tác xét tuyển và tính sẵn sàng, đồng bộ của cả hệ thống, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức tập huấn để các cơ sở đạo tạo thực hành xử lý nguyện vọng trên cơ sở dữ liệu giả lập. Quy trình xét tuyển, xử lý nguyện vọng trên Hệ thống được triển khai thực hiện tương tự như quy trình xét tuyển, xử lý nguyện vọng chính thức”, Bộ GDĐT thông tin.