1. Trang chủ /
  2. Tuyên truyền là “vũ khí” hiệu quả để phòng, chống tội phạm lừa đảo trên mạng

Tuyên truyền là “vũ khí” hiệu quả để phòng, chống tội phạm lừa đảo trên mạng

thứ năm, 6/4/2023 21:16 GMT+07
Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hoạt động ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi các “kịch bản” nhằm đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của một số người. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được xem là “vũ khí” hiệu quả ngay tại tuyến đầu trong công tác đấu tranh với loại hình tội phạm này.
Tuyên truyền là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các yếu tố tiêu cực trên không gian mạng. Ảnh: X.Trường
Tuyên truyền là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các yếu tố tiêu cực trên không gian mạng. Ảnh: X.Trường

Tuyên truyền là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các yếu tố tiêu cực trên không gian mạng. Ảnh: X.Trường

Để bảo vệ người dân trước vấn nạn lừa đảo trên mạng xã hội, mạng viễn thông, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, khách hàng và người dân.

Trên thực tế, không ít các phi vụ lừa đảo được ngăn chặn kịp thời.

Đơn cử, ngày 31/3, bà P.T.H (64 tuổi, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) nhận được điện thoại từ một người lạ, tự xưng là “Bùi Công Vinh”, giới thiệu là cán bộ Công an TP Hà Nội kiêm Thanh tra Chính phủ.

Gã cán bộ rởm thông báo bà H bị một kẻ giả danh bà để buôn bán ma tuý và đã chuyển cho bà số tiền 6 tỷ đồng. Khi được hỏi về số tiền tiết kiệm, bà H thành thật nhận đang gửi ngân hàng số tiền 1,1 tỷ đồng. Kẻ ở đầu dây điện thoại liền yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản ngân hàng của “cơ quan công an” để điều tra, làm rõ.

Do quá lo sợ, bà H giấu con cái, đến Ngân hàng Agribank để giao dịch chuyển số tiền 1,1 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo.

Khi đến ngân hàng, nạn nhân yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm với nét mặt mệt mỏi, trạng thái tâm lý bối rối, hoang mang, mặc dù sổ tiết kiệm chưa đến kỳ hạn tất toán. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, nhân viên ngân hàng đã chủ động mời bà H vào phòng trong trao đổi, đồng thời liên hệ với Đội Cảnh sát Hình sự - Công an huyện Ba Vì.

Lực lượng công an đã nói chuyện với bà H, giải thích và cho hay đây là bẫy lừa đảo, nên bà H đã không làm theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Trước đó, ngày 22/3, bà N.T.H (trú tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) tới phòng giao dịch của Ngân hàng LienvietPostbank Quế Võ, Bắc Ninh để yêu cầu rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm trị giá 279 triệu đồng.

Trong quá trình giao dịch, cán bộ ngân hàng hỏi han, nắm bắt tình hình khách hàng và được bà N.T.H chia sẻ là bà cần tiền để cho một “người quen” mượn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xử lý giao dịch, khách hàng có nhiều biểu hiện bất thường như căng thẳng, bồn chồn lo lắng và liên tục chạy ra ngoài để nghe điện thoại.

Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ trong giao dịch, cán bộ LienvietPostbank nghi ngờ đây có thể là một vụ lừa đảo, nên đã thực hiện trì hoãn giao dịch. Đồng thời, trấn an tâm lý khách hàng, cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, cũng như liên hệ với cơ quan chức năng để thông báo sự việc tới người thân trong gia đình để đề phòng rủi ro.

Khi bình tĩnh trở lại, bà N.T.H có chia sẻ bà việc liên tục bị một đối tượng tự xưng là cán bộ công an gọi điện thoại dọa dẫm, yêu cầu bà phải chuyển tiền để minh oan cho một vụ án mà bà có liên quan (trên thực tế bà không liên quan gì).

Những vụ lừa đảo bị ngăn chặn kịp thời như nói ở trên cho thấy phần nào những tín hiệu tích cực từ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Trong đó, tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Tập trung tuyên tryền tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi hưu trí bị hạn chế trong việc tiếp xúc, cập nhật thông tin xã hội.

Ở góc độ chính quyền cấp sơ sở, ông Nguyễn Văn Luyện, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, để người dân nâng cao ý thức cảnh giác với các loại hình lừa đảo trên mạng như hiện nay, hàng ngày, phường tăng cường tuyên truyền về hành vi phạm tội của các đối tượng thông qua hệ thống loa truyền thanh để người dân nắm rõ. Ngoài ra, tổ công tác của UBND và công an phường tới các tổ dân phố, trường học triển khai biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn, không để tội phạm lộng hành.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, trên trang web, các nhóm Zalo, Facebook tương tác với người dân, Công an TP Hà Nội đều liên tục đưa ra những cảnh báo về tội phạm lừa đảo hoạt động trên không gian mạng. Tất cả những thông tin cảnh báo, dấu hiệu nhận biết thủ đoạn phạm tội mới đều được lan truyền trong cộng đồng để người dân tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng phòng, chống và lật tẩy mọi thủ đoạn phạm tội.

Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước xây dựng, đăng tải hàng trăm phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật.

Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin, môi trường mạng xã hội ngày một phát triển như hiện này, thì việc đẩy mạnh tuyên truyền vẫn được xem là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người có khả năng chủ động bảo vệ mình trước các yếu tố tiêu cực của không gian mạng, trong đó có sự chủ động phòng ngừa với loại hình tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.