Đưa công nghệ vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác thải để đảm bảo mỹ quan đô thị
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, cải cách hành chính và thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là hai vấn đề quan trọng, liên quan tới đời sống dân sinh. Đây cũng là các vấn đề thời gian qua được Thành phố, các Sở, ngành, quận, huyện vào cuộc rất tích cực song vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế.
Đồng chí đề nghị các đại biểu thảo luận, chỉ rõ cần làm gì để cải thiện chất lượng phục vụ của bộ máy chính quyền trên các phương diện hợp tác phối hợp trên dưới. Trong đó chỉ rõ, trang thiết bị, quy trình, chất lượng cán bộ... đâu là yếu tố trọng yếu. Với nội dung thu gom, vận chuyển, xử lý chất thả rắn, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị làm rõ những vướng mắc nếu có để Thành phố có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Các đồng chí Thường trực Thành uỷ chủ trì hội nghị.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) được Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thành phố tiếp tục đánh giá và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Hà Nội; đăng ký, triển khai các sáng kiến CCHC của các cơ quan, đơn vị ra toàn Thành phố; xây dựng và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường lấy ý kiến hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công liên quan đến đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục và sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị..
Về cải cách tổ chức bộ máy, Thành phố đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023 đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022. Đồng thời, Thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.
Trong cải cách chế độ công vụ, công chức, Thành phố đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán bộ; kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Cùng đó, Hà Nội đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt tỷ lệ 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh.
Đặc biệt, Thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như rút kinh nghiệm, tập trung vào các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc nhóm có chỉ số thấp, dư luận phản ánh chưa tốt; Qua đó tạo chuyển biến trong thực thi nhiệm vụ.
Trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin.Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.
Thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối da và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị.
Về công tác duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường thông tin, công tác bảo vệ môi trường đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90% (đạt và vượt mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90% - 100%, nông thôn khoảng 80% - 95%).
Các cấp chính quyền đã sát sao hơn trong việc quản lý, giám sát, thanh kiểm tra duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn; triển khai cơ giới hóa trong công tác thu gom vận chuyển; thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm cải tạo hạ tầng các khu xử lý đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận đảm bảo an toàn chôn lấp rác, xử lý nước rác; đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại đốt và thu hồi năng lượng để phát điện (Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã được cấp phép cho giai đoạn 1, 2 với công suất tiếp nhận rác, xử lý đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn/ngày).
Cùng với kết quả đã đạt được, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra, công tác VSMT trên địa bàn Thành phố còn tồn tại một số hạn chế cần giải quyết. Để khắc phục tồn tại và nâng cao năng lực quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm quản lý VSMT đúng theo phân cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đổ trộm, trộn lẫn chất thải.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ năng lực các đơn vị duy trì VSMT và xem xét, đề xuất, giải quyết kịp thời các khó khăn của đơn vị nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Chủ động các nội dung về tiêu chí và điều kiện pháp lý trong việc lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2024 - 2025. Đổi mới quy trình thu gom vận chuyển theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020…