Đừng chạy theo lối sống 'nghèo sang chảnh'
Lối sống tốn kém
Tấm hình chụp chung với chiếc điện thoại đời mới nhất của P.Anh (25 tuổi, Hà Nội) sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được những lời bình luận ngưỡng mộ của bạn bè như “Ôi đã mua được điện thoại mới xịn thế” hay “Ngưỡng mộ quá, bao giờ mới được như bạn đây”. Thế nhưng, ít ai biết để được cầm trên tay chiếc điện thoại này P.Anh đã đánh đổi 5 tháng lương của mình bằng cách mua dưới dạng trả góp.
Đây chính là thực trạng của nhiều người trẻ hiện nay khi họ đều là những người lương không cao, tiền bạc không dồi dào nhưng lúc nào cũng xuất hiện với vẻ ngoài sáng chói. Để có được vẻ ngoài đó, giới trẻ sẵn sàng mua những món đồ hiệu đắt tiền, mỹ phẩm cao cấp, điện thoại đồ xa xỉ… để đắp lên người, trong khi những thứ đồ đó vượt xa thu nhập hàng tháng của họ. Từ đó cụm từ “nghèo sang chảnh” chính thức ra đời.
Cụm từ “nghèo sang chảnh” nghe có vẻ khá mâu thuẫn nhưng thực chất đây là một lối sống khá phổ biến hiện nay của giới trẻ. Cụm từ mang ý nghĩa, dù cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng lại học theo cách sống của những người có điều kiện khá giả, giàu có. Hay nói cách khác là lối sống chạy theo vật chất, chi tiêu và đòi hỏi những thứ quá khả năng bản thân.
Trên thực tế, rất dễ để bắt gặp nhiều người trẻ đang sống theo lối sống này. Lướt các trang mạng xã hội những hình ảnh xa hoa, phù phiếm luôn xuất hiện ngập tràn. Không chỉ bỏ hàng đống tiền cho vẻ bề ngoài, để tương xứng họ còn sẵn sàng chi tiền cho những bữa ăn ở nhà hàng sang trọng, những chuyến đi chơi đắt tiền vượt xa khả năng của mình. Tất cả chỉ để “tô vẽ” lên hình ảnh giàu sang của bản thân. Vậy sự đánh đổi ấy cho họ điều gì, có chăng chỉ là những lời tán thưởng, sự ghen tị của bạn bè và người ngoài.
“Mỗi năm điện thoại mới chỉ ra một lần nên năm nào tôi cũng cố gắng lên đời để bắt kịp xu hướng. Dù phải bỏ ra 4 - 5 tháng tiền lương nhịn ăn, nhịn mặc nhưng tôi thấy khá xứng đáng khi luôn là người dùng điện thoại đời mới nhất trong đám bạn. Lần nào cũng vậy, cảm giác khi nhận được lời ngưỡng mộ từ bạn bè khiến tôi thích thú và cảm thấy bản thân có giá trị nên đi đâu cũng muốn khoe các món đồ đắt tiền cho mọi người thấy”, P.Anh chia sẻ.
Giống như P.Anh, D.Đức (22 tuổi, Hà Nội) cũng đang “đắm” mình trong lối sống “nghèo sang chảnh”, dù không có việc làm ổn định nhưng anh vẫn có tiền tiêu xài thoả mãn lối sống của mình nhờ tiền bố mẹ chu cấp mỗi tháng. Tuy nhiên, khi công việc gia đình gặp khó khăn, anh không còn được cho nhiều tiền như trước, bí bách không biết lấy tiền tiêu ở đâu D.Đức điên cuồng sử dụng thẻ tín dụng để chi trả cho lối sống của mình. Kết quả không có tiền trả nợ tín dụng và trở thành nợ xấu, cuối cùng người gánh nợ trên vai lại là bố mẹ anh.
Có thể thấy, lối sống “nghèo sang chảnh” vốn bắt nguồn từ mong muốn thể hiện bản thân, khẳng định giá trị của mình thông qua những món đồ được “đắp” lên người. Lâu dần thói quen chi tiêu theo cảm xúc ngấm vào máu khiến một số người bất chấp, sẵn sàng đi vay mượn hay tạo áp lực tài chính cho cha mẹ để “sống ảo”. Thậm chí, việc không có tiền để mua sắm cũng dẫn tới hành vi phạm tội và phải trả giá đắt cho những lỗi lầm đó.
Vậy là “nghèo sang chảnh” không còn đơn giản là một lối sống mà đã trở thành sự lệch lạc trong nhận thức của nhiều người trẻ. Mong muốn có một cuộc sống dư giả, đủ đầy là điều không sai, thế nhưng nhiều người lại tự ti, không dám đối mặt với hoàn cảnh của bản thân mà cho rằng chỉ cần khoác trên mình những bộ cánh lộng lẫy, đắp thật nhiều thứ hào nhoáng ra ngoài sẽ tự khắc trở nên dư giả. Nhưng rõ ràng cuộc sống sang chảnh nhất thời ấy không khiến bản thân trở nên sang chảnh hơn mà ngược lại càng làm cho cuộc sống hiện tại trở nên khó khăn bởi thói quen chi tiêu bất hợp lý. Đằng sau những bộ trang phục lộng lẫy, những đồ dùng đắt tiền là nỗi lo sợ làm sao để kiếm lại số tiền đã bỏ ra, là nỗi ám ảnh khi phải quay về thực tế phũ phàng khi không đủ dư giả.
Giá trị không đến từ vẻ bề ngoài
Rõ ràng, việc được thể hiện, được chứng tỏ bản thân là một nhu cầu thiết thực của con người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, cách thể hiện không phải thông qua việc mặc một chiếc áo hàng hiệu, nó có thể khiến vẻ ngoài đẹp hơn trong mắt người đối diện nhưng đơn giản chỉ dừng lại ở vẻ ngoài. Thể hiện bản thân chính là việc mỗi cá nhân biểu hiện năng lực, tri thức, tầm hiểu biết và cách sống văn minh, tử tế đối với cộng đồng. Đó mới chính là giá trị thực của mỗi người, là lối sống “sang” ngay từ trong tâm hồn mà nhiều người hướng đến.
Đã từng là một người chạy theo lối sống “nghèo sang chảnh”, T.Linh (27 tuổi, Bắc Ninh) cho biết cô cảm thấy may mắn khi giờ đây đã biết hài lòng với cuộc sống của mình. “Trước đây, tôi luôn chạy theo những món đồ xa xỉ dù cuộc sống không dư dả gì, cảm giác được khoác lên mình những bộ cánh hàng hiệu và nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người đã khiến tôi mờ mắt trong phút chốc. Giờ đây tôi đã biết sống thật với bản thân mình, không còn nâng cao giá trị bản thân bằng vẻ bề ngoài mà không ngừng học hỏi và rèn luyện để có thêm kiến thức, trải nghiệm sống”, T.Linh chia sẻ.
Trên con đường trưởng thành, những tấm hình check-in sang chảnh, những cuộc vui, những lời tán dương trên mạng chỉ có giá trị nhất thời, rất chóng vánh, trong khi “thanh xuân” thì ngắn ngủi. Chính vì thế, thay vì lãng phí thời gian cho những cuộc vui, cho cuộc sống hưởng thụ “nghèo sang chảnh”, người trẻ phải trân trọng tuổi trẻ của mình, tập trung trau dồi tri thức, phát triển cho sự nghiệp để tạo ra giá trị lâu dài cho tương lai, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội sau này.
Đã từng có khoảng thời gian hai quan điểm “Tuổi trẻ rất ngắn, hãy cứ sống hưởng thụ” và “Tuổi trẻ phải tiết kiệm để tương lai đỡ vất vả” tạo ra những luồng ý kiến trái chiều trong giới trẻ. Theo bạn H.Ngọc (20 tuổi, Hà Nội): “Nhìn ở góc độ trung lập, cả hai quan điểm trên đều có cái lý của nó, người trẻ nếu cố gắng làm việc tôi cho rằng bản thân hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống, nhưng sự hưởng thụ phải trong kinh tế cho phép. Dĩ nhiên là làm ra tiền thì phải tiêu xài, nhưng cách tiêu tiền của một số bạn trẻ theo kiểu làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu hay thậm chí tiêu vượt mức thu nhập là không ổn. Bên cạnh chi tiêu sao cho hợp lý thì việc tích luỹ, tiết kiệm cũng cần thực hiện”.
Nhìn vào đại dịch năm 2020 - 2021 có thể thấy mọi ngành nghề, công việc đều bị ảnh hưởng. Kinh doanh đình trệ, nhiều người mất việc, thu nhập dần trở nên bấp bênh. Lúc này, những người trẻ chạy theo lối sống “nghèo sang chảnh”, không có tích luỹ, tiết kiệm trở thành nhóm dễ tổn thương vì đại dịch. Và lúc đó, những món đồ hàng hiệu xa xỉ đã từng được mua cũng không thể giúp họ trang trải qua đại dịch.
Do đó, người trẻ bên cạnh việc tạo ra giá trị lâu dài cho bản thân, việc hình thành một lối sống tiết kiệm, tích luỹ là rất cần thiết. Tiết kiệm càng sớm càng giúp người trẻ quản lý chi tiêu tốt hơn. Đó cũng là khoản tiền dự phòng dùng để xử lý những tình huống bất ngờ trong cuộc sống như bệnh tật, mất việc… Bởi, khi bị đẩy vào một tình thế khó khăn, biết đâu chính khoản tiết kiệm lại chính là một phao cứu sinh giúp bạn thoát ra khỏi vũng lầy đó.