1. Trang chủ /
  2. Đuối nước ở trẻ khi hè đến: Hiểm họa từ giếng làng, bãi biển

Đuối nước ở trẻ khi hè đến: Hiểm họa từ giếng làng, bãi biển

thứ năm, 30/3/2023 14:10 GMT+07
Tai nạn đuối nước ở trẻ em đã trở thành nỗi ám ảnh với mỗi gia đình và các cơ quan chức năng mỗi khi hè đến. Nhiều vụ trẻ đuối nước thương tâm tại Hà Tĩnh thời gian gần đây là vấn đề cần báo động tới các cơ quan chức năng cũng như gia đình.
Giếng làng thôn Ban Long, nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Giếng làng thôn Ban Long, nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm.

Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Vụ đuối nước thương tâm và ám ảnh nhất khiến 3 người trong 1 gia đình chết đuối tại giếng làng ở xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Khoảng 12h trưa ngày 4/3, gia đình ông T.Đ.L. (SN 1962, trú thôn Ban Long, xã Quang Lộc) không thấy 2 con và cháu ngoại về ăn cơm nên đã đi tìm. Đến khu vực giếng làng cách nhà khoảng hơn 100m thì tá hỏa phát hiện thi thể cháu trai là N.Q.H (11 tuổi) tử vong.

Sau đó, người thân tiếp tục phát hiện thêm thi thể T.Đ.T. (SN 1999) cùng em gái T.T.N.B. (SN 2003) ở cạnh đó.

Mùa hè về, cảnh báo tình trạng trẻ em đuối nước - Ảnh 1.
Giếng làng thôn Ban Long, nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm.

Theo người dân nơi đây, tại khu vực giếng làng nơi các nạn nhân gặp nạn cách đây hơn nửa năm, một cháu bé vừa bị đuối nước tử vong. Giếng làng nước sâu, bốn bên kè đá dốc, trơn trượt, không có gì bấu víu, sẩy chân xuống thì rất dễ đuối nước. Chỉ trong thời gian ngắn đã cướp đi 4 sinh mạng trong làng.

Bà Trần Thị Ninh (SN 1958, hàng xóm) cho biết, giếng làng này có từ rất lâu rồi, trước đây xung quanh giếng đều bằng đất nhưng mấy năm gần đây bốn bên được kè bằng đá dốc, trơn.

"Sống xung quanh khu vực giếng có rất nhiều trẻ con, thời điểm mùa hè nắng nóng các em nhỏ hay ra chỗ này chơi nên rất nguy hiểm. Vừa qua chính quyền địa phương cùng người dân chúng tôi đã tiến hành san lấp giếng để tránh những điều đáng tiếc tiếp tục xảy ra", bà Ninh cho hay.

Mùa hè về, cảnh báo tình trạng trẻ em đuối nước - Ảnh 3.
Chính quyền cùng người dân lấp giếng nhằm đảm bảo an toàn.

Ông Trần Đình Nam (chú ruột các nạn nhân) cho hay: "Cùng lúc gia đình tôi mất đi 3 đứa cháu không có nỗi đau nào lớn hơn nữa. Khu vực giếng làng này thực sự rất nguy hiểm. Từ năm 2022 lại nay, tại giếng làng này đã cướp đi sinh mạng của 4 người".

Ông Đặng Đình Vinh - Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết: “Sau khi sự việc khiến 3 người bị đuối nước tại giếng làng, chính quyền địa phương đã cùng người dân kịp thời huy động nguồn lực để san lấp giếng nhằm tránh các vụ việc thương tâm khác".

Mới đây nhất, một vụ đuối nước tại biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cướp đi sinh mạng 3 em học sinh lớp 7 (Trường THCS Quang Trung). Theo đó, khoảng 13h ngày (25/3), một nhóm khoảng 10 học sinh lớp rủ nhau xuống biển Thạch Hải để tắm biển.

Trong quá trình tắm, nhóm học sinh sẩy chân xuống vùng nước sâu khiến 3 em đuối nước, mất tích.

Mùa hè về, cảnh báo tình trạng trẻ em đuối nước - Ảnh 4.
Lực lượng chức năng cùng người dân nỗ lực tìm kiếm thi thể các em học sinh.

Đến 14h cùng ngày, thi thể nữ sinh T.T.T.T. đã được tìm thấy. Khoảng 8h ngày 26/3, lực lượng chức năng và người dân tiếp tục phát hiện thêm thi thể nam sinh P.Q.T., tại biển Quỳnh Viên, cách vị trí gặp nạn khoảng 6km. Chiều ngày 27/3, lực lượng chức năng cùng người dân đã tìm thấy thi thể nữ sinh N.N.T.

Những vụ trẻ em chết đuối cứ liên tiếp xảy ra cho dù đã có rất nhiều cảnh báo từ phía chính quyền, ngành chức năng và các cơ quan thông tin truyền thông. Nguyên nhân không chỉ là do trẻ luôn hiếu động, thích khám phá (nhưng lại chưa biết cách tự bảo vệ mình khi gặp phải tình huống nguy hiểm dưới nước) mà phần lớn do cha mẹ trẻ chưa quan tâm đầy đủ nên không bảo vệ được con em khỏi những tai nạn luôn rình rập.

Cần có sự vào cuộc của cả xã hội

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.

Hà Tĩnh là địa phương có số lượng ao, hồ khá lớn, mỗi dịp nghỉ hè, các em học sinh thường hay rủ nhau đi tắm, nô đùa sông suối. Vì vậy, nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Theo thống kê, tại Hà Tĩnh hàng năm đều có các trường hợp trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước, thậm chí có nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm.

Mùa hè về, cảnh báo tình trạng trẻ em đuối nước - Ảnh 5.
Nhiều đơn vị cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Những tai nạn thương tâm liên tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động về đuối nước. Trẻ em bị đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh day dứt đối với phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa hè.

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa có công văn chỉ đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị giáo dục trên địa bàn triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh năm 2023. Đây là hoạt động của ngành trong việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 10/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh và công văn của Sở LĐ-TB&XH về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn.

Trên tinh thần chỉ đạo của ngành giáo dục, các trường học tiếp tục tăng cường truyền thông nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, phụ huynh và học sinh trên các kênh thông tin, qua các buổi chào cờ, phần mềm trực tuyến, xây dựng các cuộc thi, clip ngắn, tài liệu, tờ rơi, pano, áp phích… Từ đó, hình thành thói quen, kỹ năng chủ động phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, các tổ chức đoàn thể, gia đình trong quản lý học sinh, con em khi ở nhà vào ngày nghỉ, thời gian nghỉ hè năm 2023.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế trẻ tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, đối với các bậc phụ huynh, cần nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển, ao hồ mà không có người lớn đi cùng trông nom. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tai nạn thương tâm đối với trẻ.