Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu
Tiếp tục Phiên họp thứ 21, sáng 15/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.
Báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, ý kiến các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật.
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách. Theo đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật tương đối hoàn chỉnh.
Về vốn nhà nước từ hoạt động tự chủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng thuận với việc không tách phần thu từ các đơn vị sự nghiệp công, vì các đơn vị ngành y tế đang thực hiện tự chủ theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đầu tư công.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đã rà soát, giảm bớt các trường hợp chỉ định thầu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ đồng tình với quan điểm này và cho rằng cần nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng một số trường hợp cụ thể, như đối với tư vấn quy hoạch để phù hợp với thực tiễn áp dụng.
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; đồng thời cho rằng quy định tại Điều 23 về gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay có thể dẫn đến lạm dụng, chỉ định thầu.
Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện về dịch bệnh, thành phần tham gia, trong đó nên có đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật, yêu cầu về giá tối thiểu tham khảo...
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng liên quan nhiều đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước, các thủ tục, cách thức, quy trình, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Về phạm vi đối tượng áp dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên áp dụng cả đối với việc sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư, đối với các doanh nghiệp dưới 50% vốn điều lệ, kể cả những doanh nghiệp không có vốn nhà nước vẫn phải áp dụng.
Lý do bởi việc sử dụng vốn nhà nước với vốn nhà nước tại đơn vị là hai khái niệm khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ kể cả doanh nghiệp không có đồng vốn nhà nước nào nhưng sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, do Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư thì phải đấu thầu; đồng thời nhấn mạnh, không sợ quy định này làm chậm quá trình mà làm minh bạch, công khai.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế lại quy định này để đảm bảo khái quát.
Trong trường hợp vẫn giữ cách thức thiết kế theo phương pháp liệt kê thì nên viết cụ thể thêm, bổ sung đối với các dự án đầu tư khác mà có sử dụng vốn nhà nước, dự án đầu tư khác có sử dụng vốn nhà nước...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia; nhấn mạnh quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y tế.
Về trường hợp mua sắm vaccine COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ xuất hiện trong Luật Đấu thầu.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật, về trường hợp đặc biệt của đặc biệt, cần được quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với lĩnh vực y tế, cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, hóa chất...
Giải trình các vấn đề liên quan, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết tại khoản 1 Điều 23 quy định về mua thuốc và hóa chất, trong đó có ý kiến băn khoăn khi thực hiện đối với các loại thuốc hóa chất trong phòng, chống dịch dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định việc mua các vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch có những điều kiện kèm theo, ví dụ phải được bố trí vốn, kinh phí để mua.
Trường hợp xảy ra thiên tai, nhu cầu thuốc, trang thiết bị tăng đột biến, cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh được phép mua để đáp ứng yêu cầu cấp cứu. Quy định trong trường hợp này là cần thiết.
Về hóa chất, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết có hai loại hóa chất: Hóa chất đi theo các loại máy xét nghiệm thì thuộc vào trang thiết bị y tế và loại hóa chất không đi theo máy đang thiếu, cần phải bổ sung.
Trong trường hợp xảy ra như bão, lũ rất cần Cloramin B, đề nghị bổ sung loại hóa chất này.
Đối với việc mua vaccine, trong luật đã quy định chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu phải thực hiện ngay để khắc phục hậu quả do sự cố bất khả kháng, nên việc mua vaccine có thể thực hiện chỉ định thầu.
Về đàm phán giá, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định dược liệu không thuộc danh mục đám phán giá vì chưa phải là thuốc, đề nghị không đưa vào danh mục đàm phán giá tại Điều 28.
Tại Điều 31 về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị bổ sung thuốc, bởi trong trường hợp đặc biệt, không chỉ có vaccine mà cần cả thuốc...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan; đồng thời chủ trì cùng với cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị ngoài xin ý kiến toàn diện về dự thảo Luật cần nêu rõ các nội dung lớn, các nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau; báo cáo rõ trong việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi Luật.../.