'Vaccine số' giúp trẻ em 'miễn dịch' trên mạng
Nhiều động thái bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều động thái để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong đó có việc triển khai các quy định và luật pháp liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bao gồm các điều luật, nghị định, thông tư… Việc tăng cường giám sát và kiểm soát các hoạt động trên mạng liên quan đến trẻ em cũng được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng và cơ quan an ninh mạng đã có động thái quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trực tuyến. Nhiều tổ chức, cá nhân đã bị xử lý nghiêm.
Cạnh đó, Chính phủ cũng đã tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giúp nâng cao khả năng ứng phó và đáp ứng các thách thức trong lĩnh vực này. Các hoạt động giáo dục và tuyên truyền được tổ chức để cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để trẻ em và cộng đồng có thể tự bảo vệ trước các nguy cơ trên mạng cũng đã được thực hiện tích cực.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).
Bộ LĐ-TB&XH cũng có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, như phối hợp Bộ TT&TT, Bộ Công an kiểm tra, xử lý kịp thời các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài 111. Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó là sử dụng chính môi trường mạng để tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em.
Thời gian tới, các cơ quan hữu quan sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hướng tới các đối tượng cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên; Triển khai các hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Triển khai Hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em.
Cạnh đó, Chính phủ cũng đã tích cực huy động “nguồn lực” từ doanh nghiệp nhằm chung tay đem đến những giải pháp an toàn trên mạng cho trẻ em. Mới đây, Cục An toàn thông tin đã triển khai kế hoạch đánh giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng nhằm tìm kiếm các sản phẩm bảo vệ trẻ em và hỗ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Đánh giá, công bố các sản phẩm, dịch vụ chất lượng về bảo vệ trẻ em tới cộng đồng. Quan trọng hơn, kế hoạch nhằm thúc đẩy hệ sinh thái các sản phẩm về bảo vệ trẻ em tới cộng đồng.
Những động thái này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức và năng lực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời giúp tạo ra một môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.
Doanh nghiệp chung tay tạo ra “vaccine số” cho trẻ em
Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ đã đồng hành với Chính phủ trong việc phát triển và triển khai các sáng kiến và dự án bảo vệ trẻ em trên mạng, đem lại nhiều thay đổi lớn, cung cấp nhiều giải pháp góp phần tạo ra một môi trường sinh thái lành sạch cho các em.
Có thể kể đến việc UNICEF và Liên minh Viễn thông quốc tế ITU đã xây dựng Hướng dẫn bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng dành cho doanh nghiệp. Trong đó, đề ra các giải pháp mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để bảo vệ và tôn trọng trẻ em, cũng như để các em sử dụng internet lành mạnh, sáng tạo.
Hay như trường hợp của mạng xã hội YouTube, thời gian đầu, Youtube nhận nhiều phản hồi không tốt từ người dùng vì có không ít “kẽ hở” cung cấp một số thông tin độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Tuy nhiên, theo thời gian, mạng xã hội này cũng đã dần dà hoàn thiện các lỗ hổng, đưa ra một số giải pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Có thể kể đến việc xây dựng các tính năng phù hợp cho trẻ em dựa vào việc lựa chọn cẩn thận các sản phẩm, nền tảng và bảo đảm các biện pháp bảo vệ phù hợp được thiết kế tương thích cho từng loại sản phẩm: Bị chặn đối với trẻ em; Phù hợp với trẻ em; Thân thiện với trẻ em; Được thiết kế cho trẻ em…
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bảo mật thông tin được Nhà nước Việt Nam công nhận, cũng được biết đến như một đơn vị cung cấp nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đơn cử, VNISA đã tham gia xây dựng chính sách và đề xuất nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, như cuộc thi nâng cao nhận thức "Học sinh với ATTT mạng" nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn cho học sinh và phụ huynh học sinh trên cả nước. Cuộc thi năm 2022 đã thu hút gần 600 ngàn thí sinh của các trường học thuộc 63 tỉnh, thành tham dự.
Tại Hội thảo "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" được cuối năm 2022, ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chia sẻ, với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp ATTT và các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng, VNISA mong muốn thúc đẩy sự hình thành hệ sinh thái bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Hiệp hội cũng đưa ra cam kết sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý, các tổ chức trong nước và quốc tế, doanh nghiệp để đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong các năm tới.
Có thể thấy được những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tạo ra những giải pháp nhằm xây dựng một hệ sinh thái mạng an toàn cho trẻ em. Các nỗ lực này trong những năm qua đã góp phần thay đổi nhiều thực trạng không hay trên mạng, giúp bảo vệ trẻ tốt hơn, căn cơ hơn trước sự “tấn công” của mạng xã hội vào đời sống trẻ em, tạo ra “vaccine số” bảo vệ “hệ miễn dịch” cho trẻ trên mạng.
Tuy nhiên, những lỗ hổng an ninh mạng vẫn còn không ít. Để khiến mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích, trở thành môi trường trong lành cho trẻ vui chơi, giải trí, học tập, cần có sự nỗ lực ở chiều sâu hơn nữa của Chính phủ, đồng thời cần đến sự góp sức tích cực của các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, có tâm đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Trả lời báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ: "Thời gian tới, cần đánh giá nhanh và ở tầm chiến lược, dự báo, những kinh nghiệm các bài học của Việt Nam và quốc tế để có các giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, cũng như thúc đẩy các cơ hội để trẻ em có thể tham gia tích cực hơn trên môi trường mạng. Chúng tôi hoan nghênh những sáng kiến phần mềm để giám sát trẻ em sử dụng internet trong gia đình, trường học; chặn, lọc, gỡ bỏ những thông tin không phù hợp tiếp cận trẻ em. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích “vaccine số” phải đi kèm với các giải pháp và kỹ năng đồng hành cùng trẻ tôn trọng quyền riêng tư của trẻ của gia đình và nhà trường. Như vậy “vaccine số” mới được trẻ tiếp nhận bền vững".