1. Trang chủ /
  2. VAI TRÒ CỦA MẠNG XÃ HỘI TRONG TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ: Giúp người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước

VAI TRÒ CỦA MẠNG XÃ HỘI TRONG TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ: Giúp người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước

thứ bảy, 27/8/2022 09:44 GMT+07
(PLM) - Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số phát triển như hiện nay, mạng xã hội được xác định là môi trường truyền thông hiện đại. Việc tuyên truyền chính trị có vai trò quan trọng giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo ra sự phát triển cho xã hội.

Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức hôm qua (26/8) tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, tuyên truyền chính trị là nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác tuyên giáo của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Trong công tác tuyên truyền chính trị, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống vẫn là kênh thông tin chính thống, chủ yếu. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông số và internet, mạng xã hội đang có bước phát triển nhanh, mạnh và ngày càng chiếm ưu thế, trở thành một phương tiện hữu hiệu trong tuyên truyền tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia bàn thảo sâu sắc và cụ thể hơn về vai trò, tầm quan trọng của mạng xã hội nói chung và trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam nói riêng. Hội thảo cũng nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của công tác sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở nước ta thời gian qua. Thông qua đó, xác định những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.

Các tham luận tại Hội thảo nhấn mạnh, trong thời đại công nghệ kỹ thuật số phát triển như hiện nay, mạng xã hội được xác định là môi trường truyền thông hiện đại. Việc tuyên truyền chính trị có vai trò quan trọng giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo ra sự phát triển cho xã hội. Khác với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, mạng xã hội trở nên phổ biến, thu hút nhiều người tham gia, sử dụng, đây là kênh quan trọng tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền chính trị, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn nữa đến việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp cận gần hơn đến quần chúng nhân dân. Đồng thời, cần thay đổi phương thức tuyên truyền, chủ động nắm bắt tâm trạng xã hội của nhân dân để kịp thời cung cấp thông tin đa chiều, thông tin có chọn lọc, có chất lượng, gắn với thực tiễn đời sống xã hội được dư luận quan tâm.

Theo ông Vũ Trọng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, các cơ quan chức năng phải nắm bắt được nhu cầu thông tin để từ đó xác định được đối tượng định hướng tuyên truyền phù hợp. Ngoài ra, cần thiết kế hình thức tuyên truyền hấp dẫn, thích ứng hơn. “Từ bài viết đăng trực tiếp, so với bài ấy mà thiết kế video ngắn gọn, hợp lý, có giọng đọc lôi cuốn người nghe thì khi ấy lôi cuốn độc giả lớn hơn” - ông Hà nói.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng phổ biến mạng xã hội cũng cho thấy những mặt trái, đó là nhiều đối tượng xấu có thể lợi dụng, coi đây là một phương tiện để tiếp cận người dân với mục đích kích động, chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Điều này dẫn đến hậu quả là các thông tin sai sự thật, không đúng bản chất của vấn đề được phát tán rộng rãi, gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về mặt tinh thần và vật chất cho nhiều tổ chức, cá nhân. Mặt khác, các thế lực thù địch vẫn tận dụng cơ hội, tăng cường lợi dụng ưu thế của mạng xã hội để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Khắc phục tình trạng này, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị cần thiết lập một hệ thống giải pháp đồng bộ, tranh thủ cơ hội, phát huy những mặt tích cực; cùng với đó là khắc phục hạn chế và tác động tiêu cực của mạng xã hội, nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội của nước ta, đưa mạng xã hội trở thành mũi tiến công sắc bén, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Ban Tổ chức đã nhận được 101 bài tham luận từ các nhà lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành. Trong số đó, nhiều ý kiến đề nghị đưa công tác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, tuyên truyền, phổ biến lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, tạo ra phong trào ứng xử văn hóa trên mạng xã hội; xác định mạng xã hội là một kênh, công cụ quan trọng để theo dõi, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền chính trị cho phù hợp với các đối tượng quần chúng trên mạng xã hội…

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 239 ra ngày 27/8/2022)