Vẽ bậy trên tàu Metro bị xử phạt như thế nào?
Cụ thể, vào tháng 6/2022, 2 trong số 51 toa tàu của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM bị sơn, vẽ Graffity trên thân và đầu tàu. Và trong ngày 30/4 vừa qua, sự việc này lại tiếp tục diễn ra.
Tuyến Metro số 1 không chỉ đơn thuần là một phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng mới của TP.HCM. Vì vậy, việc bảo vệ mỹ quan của các đoàn tàu cũng đang được chủ đầu tư, các nhà thầu và lực lượng chức năng rốt ráo triển khai.
Dù những người thực hiện hành vi vẫn chưa bị xử lý nhưng với các hành vi này, các chuyên gia cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi vẽ bậy, bôi bẩn bởi nhiều vết vẽ bằng sơn lên toa tàu Metro có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ của hành vi người vi phạm.
Cụ thể, theo điểm a, khoản 2, điều 15 nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với những hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.
Ngoài phạt tiền, hành vi vẽ bậy còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Hành vi vẽ bậy lên toa tàu Metro số 1 còn có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Nếu là người nước ngoài thì còn có thể bị trục xuất. Đồng thời, buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục tình trạng ban đầu đối với toa tàu.
Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc tự ý viết vẽ hình lên tường nhà người khác, trên tàu xe, những công trình công cộng mà chưa được sự đồng ý, cho phép là vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ thiệt hại mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc xử phạt hành chính, đối với hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017).
“Theo quy định trên, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm” - luật sư Sơn nói.
Đến thời điểm hiện tại, đoàn tàu đã được khôi phục nguyên trạng ban đầu và Ban Quản lý đang phối hợp Công an TP. Thủ Đức rà soát, điều tra vụ việc. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nhà thầu Hitachi và Công an TP. Thủ Đức cũng đã họp đưa ra 3 nhóm giải pháp nhằm bảo vệ nghiêm ngặt khu vực depot Long Bình, tránh tình trạng tương tự xảy ra.