Vì sao giá xăng liên tục tăng mạnh nhưng giảm lại nhỏ giọt?
Ngày 21/3, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh giảm lần đầu tiên sau 7 kỳ tăng liên tiếp. Theo đó, mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 giảm 632 đồng/lít còn 29.192 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít còn 28.330 đồng/lít.
Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, đà giảm này do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm (mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây).
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3 và kỳ điều hành ngày 21/3 là 121.912 USD/thùng với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) giảm 10.340 USD/thùng, tương đương giảm 7.82%. Xăng RON 95 là 125.842 USD/thùng, giảm 7.3% và dầu diesel là 122.338 USD/thùng giảm 15.74% so với kỳ trước.
Tuy nhiên, mức giảm đối với giá xăng, dầu trong kỳ điều hành ngày 21/3 chỉ ở mức 2,9% với xăng RON 95; 2,3% với xăng E5 RON 92 và 6,9% với dầu diesel.
Theo lý giải của cơ quan điều hành, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng, dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại có xu hướng tăng trở lại.
Bên cạnh đó, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp và để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng thế giới, liên bộ quyết định giảm chi sử dụng quỹ bình ổn và bắt đầu trích lập quỹ này từ 50-400 đồng/lít đối với một số mặt hàng.
Do đó, đây cũng là một yếu tố khiến giá xăng giảm ít hơn ở mức 655 đồng/lít với xăng E5 RON 92, 632 đồng/lít với RON 95 và dầu diesel giảm 1.630 đồng/lít.
Đồng thời, theo liên bộ việc này để giảm áp lực cho quỹ bình ổn và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo, bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý.
Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mức giảm của giá xăng trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới, mức trích lập quỹ bình ổn mà còn ở các loại thuế, phí.
"Khoảng 4 ngày gần đây, giá dầu thế giới đã bật tăng trở lại, hiện ở mức hơn 110 USD/thùng. Do đó, liên bộ cũng phải trích lập quỹ để có dư địa ở kỳ điều hành tới có khả năng xăng sẽ tăng trở lại", chủ doanh nghiệp này nói.
Hiện, quỹ bình ổn nhiều doanh nghiệp đầu mối có mức âm lớn như Petrolimex là âm 470 tỷ đồng, PV OIL là âm hơn 840 tỷ đồng...
Để hạ nhiệt giá xăng dầu, Chính phủ đề nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Nếu nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì giá xăng từ ngày 1/4 sẽ được giảm 2.200 đồng/lít (gồm VAT) và giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh 1.100 đồng/lít.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng thì sẽ phải tính giảm thêm các công cụ thuế, phí khác và kết hợp các chính sách an sinh, xã hội...
Ngoài ra, quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được xem xét thay đổi cơ chế huy động tiền, tăng quỹ lên, tuân thủ quy luật thị trường. Tuy nhiên, ông Diên không loại trừ khả năng tạo nguồn cho quỹ từ ngân sách.
Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thế giới trong phiên mở cửa ngày 21/3 tiếp tục hành trình leo dốc sau hơn 6 ngày sụt giảm trước đó. Hiện giá hai loại dầu Brent và WTI đã quay về ngưỡng xác lập đầu tháng 3.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 4,1 USD lên 112,03 USD/thùng, tương đương 3,8%. Dầu WTI tăng 4,1 USD lên 108,81 USD/thùng, tương đương 3,95%. So với đầu tuần trước (giai đoạn giá dầu lao dốc), giá dầu thế giới đã tăng trên dưới 5%.