1. Trang chủ /
  2. Vì sao lãi suất ngân hàng tăng nóng?

Vì sao lãi suất ngân hàng tăng nóng?

thứ bảy, 17/9/2022 15:26 GMT+07
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng đã được cấp cho một số ngân hàng, nhưng các ngân hàng vẫn “trong cơn khát vốn”; lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã được đẩy lên trên dưới 8%/năm.

Tín dụng tăng nhanh, ngân hàng khát vốn

Từ đầu tháng 9 đến nay lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1%/năm. Đáng chú ý cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí càng về cuối năm càng tăng.

Trong lần điều chỉnh này còn có ngân hàng lớn thuộc nhóm ''Big 4''. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 - 24 tháng trên ứng dụng VietinBank iPay. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất tại VietinBank kể từ tháng 7/2020 đến nay và cũng đang là mức lãi suất huy động cao nhất trong các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước.

Lãi suất trung bình toàn thị trường kỳ hạn 12 tháng đạt 6,3% tại quầy và 6,49% khi gửi tiền online. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn thu hút người gửi tiền bằng hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền..

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng do áp lực lạm phát cũng như để thêm nguồn vốn nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR), tránh việc mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, ngân hàng tăng lãi suất huy động còn để kích thích người dân gửi tiền khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết việc tăng lãi suất huy động còn nhằm mục đích chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm, nhất là đến nay, các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.

Trong khi đó tín dụng tính đến thời điểm hiện tại đã tăng gần 10%, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Chưa kể một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng đang “kẹt” trong nợ xấu, kể cả nợ cơ cấu lại. Nếu các khách hàng trả nợ đúng hạn, thì ngân hàng sẽ có thêm room để cho vay, nhưng một lượng lớn khách hàng (kể cả đã được cơ cấu nợ) vẫn chưa thể trả nợ, khiến một lượng tiền bị giữ trong đó.

Chưa kể, sau sự cố Tân Hoàng Minh và FLC, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đều lao dốc, áp lực dồn hết lên vai ngân hàng. Vốn đầu tư công cũng giải ngân rất chậm. Mọi doanh nghiệp trước đây huy động vốn qua kênh trái phiếu, qua thị trường chứng khoán giờ trông hết vào ngân hàng, khiến tín dụng tăng mạnh từ đầu năm, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngoài ra, theo phân tích từ ngày 1/10 tới đây, ngân hàng cũng phải có vốn dự trữ nhiều hơn khi cho vay (phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34%). Trong cơn khát vốn, ngân hàng buộc tìm vốn qua cách tăng lãi suất tiết kiệm, hút người gửi.

Ngân hàng thương mại trong “ván cờ” lãi suất

Cũng theo dữ liệu tổng hợp được, từ đầu năm đến nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có tới 4 lần nâng lãi suất liên tục, đến nay mức lãi suất đã tăng lên đến 2,25-2,5%/năm, tổng mức tăng là 2,25 điểm %. Dự kiến trong cuộc họp vào cuối tháng nay, Fed sẽ tiếp tục tăng thêm 0,75 điểm % và xu hướng này sẽ còn kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023.

Trong khi đó, Ngân hàng Châu Âu (ECB) ngân hàng có tính chất chi phối nền kinh tế lớn, cũng đã tăng lãi suất rất cao thêm 0,75% trong cuộc họp gần nhất và dự kiến sẽ có thêm ít nhất 2 lần tăng nữa vào tháng 10 và tháng 12 tới.

Cùng với đó, hàng loạt ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang trong chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát leo thang. Trong khi đó, suốt gần 2 năm trở lại đây, NHNN vẫn duy trì ổn định lãi suất điều hành, không thay đổi. Song, đến thời điểm hiện tại áp lực các nước điều chỉnh lãi suất quá lớn, cơ quan điều hành sẽ khó có thể duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay. Động thái đẩy lãi suất tiết kiệm lên có thể là một nước cờ đi trước của các ngân hàng thương mại.

Đứng ở góc độ quản lý ngân hàng, ông Trịnh Bằng Vũ - Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân Shinhan Bank cho biết, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh trong thời gian gần đây đã khiến lãi suất cho vay tăng lên. Tương tự, đại diện OCB dự báo, lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm do chịu áp lực mạnh hơn từ lãi suất đầu vào. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán KB (KBSV) dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng tăng 0,5-1%/năm, đẩy lãi suất cho vay tăng khoảng 0,4-0,7%/năm.

Phát biểu tại họp báo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, lãi suất đã có biến động tăng nhẹ cả huy động và cho vay. Lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,25%, cho vay là 0,24%. Hiện lãi suất cho vay bình quân là 7,9-9,3%/năm kể cả dư nợ mới và dư nợ cũ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng dành dư địa hỗ trợ doanh nghiệp.