1. Trang chủ /
  2. Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận?

Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận?

thứ ba, 4/4/2023 19:54 GMT+07
Giới chuyên gia cho rằng, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy xe được xác định vô chủ hiện nay khá phức tạp dẫn đến các bãi trông giữ phương tiện ngày càng quá tải.
Bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 (thuộc Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải, nhiều người vi phạm không chịu đến giải quyết.

Tiền phạt cao hơn giá trị xe

Những ngày cuối tháng 3/2023, theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống tại bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 (thuộc Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) trên đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, có hàng nghìn chiếc xe máy đang được xếp chồng lên nhau. Rất nhiều trong số này đã nằm ở đây vài năm mà chủ không đến làm thủ tục lấy xe về.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Phó giám đốc Xí nghiệp 5 cho biết, cả bãi có khoảng hơn 3 nghìn xe vi phạm, riêng từ đầu năm đến giờ lượng tồn đọng đã lên hơn 300 xe máy, chủ yếu là xe của người vi phạm nồng độ cồn.

Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận? - Ảnh 2.
Bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 (thuộc Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải, nhiều người vi phạm không chịu đến giải quyết.

Nói về nguyên nhân người vi phạm không đến làm thủ tục để nhận xe, ông Lộc cho biết, chủ yếu vẫn là mức phạt tương đương, thậm chí cao hơn giá trị xe.

Ngoài ra, còn do nguyên nhân một số xe vi phạm không đủ các loại giấy tờ theo quy định, xe đã bị thay đổi kết cấu.

Tương tự, bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông cũng có tới 3.000 chiếc xe máy đủ loại.

Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận? - Ảnh 3.
Từ đầu năm 2023, khi lực lượng CSGT tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn thì lượng xe vi phạm đổ về bãi tăng "chóng mặt".

"Tính riêng 3 tháng đầu năm có gần hơn 100 xe máy chưa có chủ đến làm thủ tục lấy xe. Trước đó phải mất hơn 3 năm với rất nhiều thủ tục, cơ quan chức năng mới thanh lý được gần 800 chiếc xe máy để giải phóng bớt cho bãi xe này", ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long chia sẻ.

Cần áp dụng công nghệ số trong quản lý GPLX

Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm bỏ xe là để không bị tước GPLX.

Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận? - Ảnh 4.
Nhiều người dân bỏ xe do số tiền nộp phạt vi phạm nhiều hơn là giá trị của chiếc xe máy.

"Không ít những trường hợp khi vi phạm nồng độ cồn, nếu giá trị xe tương đương với mức phạt, thậm chí cao hơn 1 - 2 triệu đồng, người vi phạm sẽ nói là không nhớ để GPLX ở đâu hoặc nói dối là không có GPLX, từ đó lực lượng chức năng không thể lập biên bản tạm giữ GPLX. Sau đó người vi phạm sẽ bỏ xe để không bị tạm giữ GPLX", ông Chinh cho hay.

Về giải pháp ngăn chặn, Thiếu tá Chinh cho rằng, cần phải áp dụng công nghệ số trong quản lý GPLX, căn cước công dân và các giấy tờ liên quan khác.

Tất cả dữ liệu của người dân như: GPLX, CCCD sẽ được tích hợp vào hệ thống, sau đó CSGT sẽ tra cứu và biết được đầy đủ thông tin của người vi phạm, ngăn tình trạng bỏ xe.

Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận? - Ảnh 5.
Một số xe vì để quá lâu nên hư hỏng nặng không thể sử dụng.

Ở góc nhìn chuyên gia, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: "Để giải quyết tình trạng bỏ xe vi phạm có nhiều giải pháp khác, cần phải việc áp dụng công nghệ. Khi GPLX được tích hợp trên dữ liệu dân cư quốc gia, CSGT sẽ biết được người nào đã có GPLX, người nào không. Từ đó lực lượng chức năng có thể tước GPLX ngay trên hệ thống, bắt đầu thời điểm họ vi phạm. Nếu không đến nộp phạt, GPLX sẽ bị vô hiệu, lúc đó chắc chắn sẽ không ai dám bỏ xe nữa".

Đẩy nhanh quá trình thanh lý xe vi phạm

Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cũng cho rằng, để giảm áp lực cho các bãi giữ xe vi phạm, cần đẩy nhanh quá trình thanh lý xe vi phạm.

Bộ Công an nên phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng rút ngắn thủ tục và thời gian thanh lý phương tiện từ 1 năm hiện nay xuống còn 3 - 4 tháng đối với phương tiện không xác định được chủ sở hữu.

Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận? - Ảnh 6.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh phương thức quản lý xã hội theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý xe tang vật, xe vi phạm.

"Khi chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm. Thời gian này cần phải được rút ngắn lại", luật sư Đoàn nói.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đoàn, nghị định xử phạt giao thông quy định rất nhiều trường hợp xe máy vi phạm bị tạm giữ. Mà nhiều lỗi trong đó không thật cần thiết phải tạm giữ xe.

Vì sao nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến nhận? - Ảnh 7.
Nếu tinh gọn được thủ tục xử lý thì sẽ hiệu quả, tiết kiệm hơn so với việc phải loay hoay bố trí kho bãi tạm giữ.

"Cần đánh giá lại lỗi vi phạm nào thật cần thiết tạm giữ xe máy. Tránh việc tạm giữ quá nhiều vừa tạo áp lực cho cơ quan nhà nước vừa dẫn đến nguy cơ hư hỏng tài sản của người dân", vị luật sư góp ý.

Hàng chục lỗi tạm giữ xe
Ngoài các lỗi vi phạm nồng độ cồn theo các mức được đánh giá là nguy cơ cao dẫn đến tai nạn cần tạm giữ xe để ngăn chặn hậu quả, thì nghị định 100 và nghị định 123 còn rất nhiều lỗi khác cũng buộc tạm giữ xe như: Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, lái xe buông cả hai tay, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên, nằm trên yên xe, thay người điều khiển xe máy, lạng lách đánh võng, chạy một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh, điều khiển xe thành nhóm chạy quá tốc độ, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, không có giấy đăng ký xe hoặc giấy đăng ký xe hết hạn, xe không gắn biển số...