1. Trang chủ /
  2. Vì sao Vicem muốn tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ bỏ hoang nhiều năm qua?

Vì sao Vicem muốn tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ bỏ hoang nhiều năm qua?

chủ nhật, 14/5/2023 19:42 GMT+07
Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau 8 năm bỏ hoang.
Dự án được khởi công vào tháng 5/2011 những đến nay chưa hoàn thành

Dự án được khởi công vào tháng 5/2011 những đến nay chưa hoàn thành

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến về Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Tại văn bản này, Văn phòng Chính phủ cho biết, mới đây nhận được công văn của Bộ Xây dựng về Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Do đó, để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan có ý kiến về đề nghị của Bộ Xây dựng tại văn bản nêu trên.

Theo công văn của Bộ Xây dựng, Bộ đã đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép Vicem tiếp tục hoàn thiện tòa tháp nghìn tỉ là trung tâm điều hành và giao dịch Vicem để đưa vào kinh doanh, khai thác sau hơn 8 năm bỏ hoang, lãng phí.

Được biết, tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được đầu tư từ năm 2010, với quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, tổng vốn đầu tư xây dựng sau điều chỉnh khoảng 2.743 tỉ đồng.

Mục tiêu đầu tư tòa tháp nghìn tỉ của Vicem (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) là xây dựng trụ sở làm việc của tổng công ty, các đơn vị thành viên, hội trường và trung tâm thương mại quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng hoàn thành phần thô của tòa tháp, từ tháng 8/2015, Vicem bất ngờ để hoang hóa.

Theo báo cáo của Vicem, để tránh lãng phí tài sản nhà nước, trong giai đoạn 2016 - 2021, Vicem nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập phương án, tìm kiếm đối tác chuyển nhượng tòa tháp để hoàn vốn đầu tư.

Bộ Xây dựng cũng báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận cho Vicem chuyển nhượng dự án vào năm 2017. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa chuyển nhượng được do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, việc chuyển nhượng dự án diễn ra trong giai đoạn thị trường bất động sản, đặc biệt phân khúc trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, năm 2015, dự án tạm dừng thi công, đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư. Do vậy, đến nay dự án vẫn không chuyển nhượng được theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Từ thực tế trên, thời gian qua Vicem đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho tổng công ty tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Vicem sẽ rà soát lại dự án cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

Lý giải về sự cần thiết tiếp tục đầu tư dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết: Trụ sở làm việc hiện nay của Vicem là tòa nhà 8 tầng cũ đã xây dựng từ năm 1980, diện tích chật hẹp, cơ sở hạ tầng đã cải tạo sửa chữa nhiều lần và lộ giới an toàn đường sắt cắt ngang lối vào trụ sở làm việc của Vicem tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông.

Do đó, nhu cầu về trụ sở làm việc mới của Vicem và các đơn vị thành viên là cần thiết. Việc tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem với mục tiêu chính là trụ sở làm việc của Vicem nhằm đáp ứng được nhu cầu về quy mô phát triển, không gian làm việc của cán bộ công nhân viên Vicem, phòng truyền thống, phòng họp, phòng hội thảo, phòng lưu trữ, phòng sinh hoạt các đoàn thể, văn phòng giao dịch, văn phòng giới thiệu sản phẩm... của Vicem và các đơn vị thành viên; Đây là công trình mang tính biểu tượng của Vicem có cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại phù hợp với chiến lược phát triển và quy mô mở rộng của Vicem để đáp ứng chiến lược phát triển, nâng cao vị thế và thương hiệu của Tổng công ty Xi măng Việt Nam.

Cụ thể: Đáp ứng được mục tiêu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu Vicem “Xây dựng và phát triển Vicem thành một doanh nghiệp trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam có quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết, bình ổn thị trường và định hướng ngành Xi măng phát triển phù hợp với chiến lược phát triển ngành Xi măng Việt Nam đến năm 2030.

Đáp ứng được quy mô hoạt động như đã đề ra tại Nghị quyết số 004/NQ- ĐH ngày 18/8/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Xi măng Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có nội dung: “Mở rộng quy mô hoạt động của Vicem về cả chiều rộng, chiều sâu, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của Vicem với mục tiêu hiệu quả, phấn đấu gia tăng thị phần của Vicem đến 2025 là 38% - 40%.

Phù hợp với mong muốn của người lao động Vicem có trụ sở làm việc khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển gia tăng thị phần của Vicem trong thời gian tới do trụ sở làm việc hiện tại có nhiều bất lợi - Văn bản của Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết.