Vì sao xăng lên, hàng siêu thị vẫn 'neo' giá?
Nhiều chương trình khuyến mại kích cầu vẫn diễn ra
Tính từ đầu năm 2022, giá xăng dầu đã tăng liên tục 5 lần với mức tăng rất cao, tác động mạnh mẽ đến hệ thống các doanh nghiệp vận tải, chuyên chở, logistics. Điều này khiến cho áp lực giá đang đổ dồn lên các mặt hàng hóa thực phẩm thiết yếu, trong đó giá cả hàng hóa ở các chợ dân sinh đều đã tăng từ 10-15% tùy từng mặt hàng. Tuy nhiên, tại các hệ thống siêu thị, giá niêm yết vẫn được giữ trong suốt thời gian vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng dầu tăng tạm thời chưa ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm. Không những giữ giá, hệ thống siêu thị này cũng chấp nhận lỗ toàn bộ chi phí xăng dầu vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra Hà Nội để đảm bảo vẫn tổ chức được các chương trình khuyến mại cho khách hàng.
Hiện toàn bộ hệ thống siêu thị của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra vẫn thường xuyên phối hợp với các nhà sản xuất, luân phiên tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá khoảng 2.000 mã sản phẩm tiêu dùng nhanh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang, hàng gia dụng... với mức giảm từ 10 - 50%... Nhiều mặt hàng được bán bằng với giá vốn hoặc bán với giá 0 đồng (thuộc các chương trình bán hàng kèm điều kiện).
Các hệ thống siêu thị còn lại cũng vẫn đều đặn lên các chương trình kích cầu khuyến mãi với rất nhiều mặt hàng, có những mặt hàng giảm giá khá lớn như hệ thống siêu thị Go! vừa thực hiện chương trình giảm giá đến 50% đối với một số mặt hàng nhập khẩu như phi lê cá hồi đông lạnh, sụn ức heo, dâu tây Hàn Quốc… Chưa hết chương trình kích cầu cho các mặt hàng nhập khẩu, Central Retail (đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Big C và Go, Top Maket) lại thực hiện tiếp các chương trình khuyến mãi để “hút” người tiêu dùng đến siêu thị vào các ngày đầu tuần với mức giảm 30% đối với toàn bộ các sản phẩm rau lá, 10% đối với các sản phẩm thịt lợn cung cấp trong nước…
Hệ thống siêu thị WinMart cũng cam kết giữ giá cả bình ổn, bất chấp giá xăng dầu tăng cao, áp lực lên chi phí vận chuyển hàng ngày của toàn bộ hệ thống. Đại diện siêu thị này cho biết, mặc dù thời gian qua thời tiết ngoài miền Bắc không thuận lợi cho các mặt hàng rau củ nhưng không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán với mặt hàng này. Chuỗi siêu thị Winmart và Winmart+ luôn bảo đảm cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ mọi ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ và đảm bảo giữ giá ổn định.
Tương tự, hệ thống siêu thị BRG cũng vẫn tiếp tục chạy các chương trình giảm giá kích cầu khuyến mại đối với đa dạng mặt hàng từ các loại hàng nhập khẩu đến các nhà sản xuất trong nước với nhiều mức ưu đãi khác nhau, từ các mặt hàng khô thiết yếu đến các mặt hàng tươi sống mỗi ngày. Đại diện siêu thị này cho biết, hầu như ngành hàng nào cũng vẫn đang có các chương trình khuyến mại, kéo dài đến ngày 17/3/2022.
Giữ giá được đến bao giờ?
Giám đốc Co.op mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định với PLVN: “Tất cả các mặt hàng tại Co.op mart sẽ được giữ nguyên giá ít nhất cho đến hết tháng 3, dù đã có nhiều nhà cung cấp đang “đánh tiếng” sẽ tăng giá các sản phẩm cung ứng. Nhưng do tất cả các nhà cung cấp đều có hợp đồng với siêu thị, trong đó có điều khoản muốn tăng giá mặt hàng phải báo trước 30 ngày nên tạm thời toàn hệ thống Co.op mart vẫn giữ giá bình ổn từ trước Tết”.
Đại diện siêu thị Lotte Mart cũng cho biết, siêu thị đã nhận được văn bản đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng hệ thống vẫn đang cố gắng thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới. Đồng thời, sẽ tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng. Các đại diện hệ thống khác cũng cam kết sẽ cố gắng trì hoãn việc tăng giá hoặc nếu bắt buộc phải điều chỉnh giá thì mức tăng sẽ đảm bảo thấp, để có thể chia sẻ, đồng hành với người tiêu dùng trong khoảng thời gian vẫn còn nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp về dịch COVID-19.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, sự thay đổi giá cả ở các hệ thống siêu thị đều có những độ trễ nhất định. Nếu giá cả ở chợ dân sinh tăng mạnh thì giá trong siêu thị cũng sẽ tăng nhưng tăng chậm hơn do hầu hết đều đã có những ràng buộc hợp đồng nhất định với nhà cung cấp. Dự kiến, cũng phải đến khoảng cuối tháng 3/2021 các siêu thị mới chấp nhận tính toán mức tăng các mặt hàng và tiến hành điều chỉnh khi giá xăng dầu đã tăng.