Việt Nam-Argentina hướng tới hợp tác hiệu quả nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại
Phát biểu tại diễn đàn, bà Cecilia Todesca Bocco, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề kinh tế, quốc tế của Bộ Ngoại giao Ngoại thương và Tôn giáo Argentina đánh giá rất cao chuyến thăm chính thức Argentia của Chủ tịch Quốc hội được tháp tùng bởi rất nhiều lãnh đạo cấp cao các bộ, ngành, điều này sẽ hỗ trợ cho việc thúc đẩy những chương trình nghị sự, cuộc gặp song phương, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại hai nước.
Nhiều dư địa mở rộng hợp tác
Theo bà Cecilia Todesca Bocco, kim ngạch trao đổi thương mại và sự bổ trợ của nền kinh tế hai nước đã đóng góp cho việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua.
Trong 5 năm qua, trao đổi kim ngạch thương mại hai nước đã tăng trưởng 54%. Việt Nam là đối tác thương mại thứ sáu của Argentina với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Việt Nam 1,24 tỷ USD.
Về cơ cấu của thương mại, xuất khẩu của Argentina sang Việt Nam tập trung vào mặt hàng đỗ, ngô; nhập khẩu từ Việt Nam phía Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp, giày dép, cao su, máy móc...
Bà Cecilia Todesca Bocco đánh giá hai nước còn nhiều dư địa hợp tác. Argentina có thể bổ sung rất nhiều những mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam để mở rộng và đa dạng hóa hơn quan hệ kinh tế, thương mại.
Do đó, theo bà, hai nước cần phải thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành. Về phía Argentina đã tổ chức rất nhiều đoàn sang Việt Nam, trong đó có đoàn tập trung 32 doanh nghiệp đại diện trong các lĩnh vực sản xuất thịt, thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, hoa quả có múi và thực phẩm, thịt gia súc.
Cho rằng diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Argentina là hợp tác mà các cơ quan chức năng đã thúc đẩy trong nhiều năm qua, bà Cecilia Todesca Bocco cho rằng diễn đàn cũng là nơi để hai bên cùng định hướng cho hợp tác 50 năm tới.
Những doanh nghiệp Argentina đến từ ngành công nghiệp thực phẩm, iron carbon, mỏ, phân bón, dược phẩm...
Argentina đang tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và có thể hỗ trợ Việt Nam về máy móc liên quan đến nông nghiệp. Các sản phẩm về thịt đã có mặt tại Việt Nam nhưng còn khiêm tốn bởi Việt Nam tập trung chủ yếu tiêu dùng thịt lợn (là nước sử dụng thịt lợn lớn thứ hai tại Đông Nam Á). Do đó, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này có lợi ích cho cả hai bên, trong đó có quả có múi của Argentina có chất lượng cao.
Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Argentina đã bị tăng trưởng âm vào năm 2020. Năm 2021, Argentina đã khôi phục nhanh hơn và doanh nghiệp quay trở lại sản xuất cơ bản giống như trước đại dịch với GDP phát triển 10,4% năm 2022 là 5,2%...
Bà Cecilia Todesca Bocco
Trong lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo, đã có những thoả thuận đã được ký kết vào tháng 7/2022, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Argentina, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã khẳng định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Nhắc lại ý kiến của Tổng thống Argentina và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây cho rằng hai nước đều có cơ hội hợp tác cụ thể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, bà Cecilia Todesca Bocco cho biết, diễn đàn cũng nhằm xác định cụ thể chương trình nghị sự đó với những dự án có thể hợp tác chung.
Về cơ chế MERCOSUR, bà Cecilia Todesca Bocco cho biết, hiện Argentina đang là Chủ tịch luân phiên cơ chế này; đang thúc đẩy với Việt Nam trong trao đổi thông tin...
Ưu tiên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong suốt 50 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Việt Nam và Argentina đã cùng nhau nỗ lực hợp tác và đạt được thành quả vô cùng to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học; ở cả cấp độ song phương, khu vực và thế giới.
Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2010, quan hệ Việt Nam-Argentina đã có những bước phát triển ấn tượng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư đã được hai bên tích cực triển khai, với việc Việt Nam tổ chức hai đoàn doanh nghiệp đa ngành sang khảo sát thị trường Argentina vào các năm 2017, 2018 và Argentina tổ chức nhiều đoàn, đặc biệt có đoàn gồm hơn 20 doanh nghiệp sang Việt Nam dự Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm (FoodExpo) năm 2022.
Hai bên cũng đã phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân chủng học-pháp y, khoa học và công nghệ... để tạo sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, thời gian vừa qua, thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh khó khăn đó, Việt Nam đã tập trung phát huy mạnh mẽ nội lực kết hợp hài hòa với hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngay trong tâm dịch năm 2022, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 3% trong khi nhiều nước tăng trưởng âm. GDP năm 2022 tăng 8,02%; tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 9,1%, là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới với 36 nghìn dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 442 tỷ USD.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 5 Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 4.100 USD; quy mô thương mại đạt hơn 730 tỷ USD.
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trong bối cảnh như hiện nay, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng thích ứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có Argentina để có các biện pháp phục hồi thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đa dạng hóa các mặt hàng
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hai bên vẫn còn gặp phải những trở ngại do khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải và đi lại kéo dài, chi phí cao, cùng sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán làm ăn kinh doanh...
Việt Nam-Argentina mặc dù xa cách về mặt địa lý, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng, đều có nhiều tiềm năng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, dòng vốn đầu tư kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Argentina, với vai trò là thành viên tích cực của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), sẽ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nam Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam sẽ luôn là cầu nối vững chắc để Argentina vào khu vực thị trường ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Argentina và tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị hai bên cùng trao đổi, quan tâm thúc đẩy đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu đã có truyền thống nhằm nâng cao kim ngạch và từng bước cân bằng cán cân thương mại song phương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam mong muốn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường Argentina như sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ và nội thất, vật liệu xây dựng...
Ở chiều ngược lại, Argentina tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng ngô, đậu tương... với nguồn cung và giá thành ổn định vào Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác thương mại, các cơ quan liên quan và doanh nghiệp hai nước xem xét, mở rộng hợp tác kỹ thuật và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp kỹ thuật cao, khai khoáng và sản xuất lithium, chế biến nông sản, công nghệ sản xuất khí hydro xanh nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, công nghệ sinh học, y tế, năng lượng xanh, công nghệ AI phục vụ chuyển đổi số của mỗi nước để tạo sự hợp tác toàn diện, gắn kết lâu dài.
Hai bên phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư, cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên về thị trường của nhau; hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hoạt động kết nối giao thương theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
“Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng tiếp đón, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Argentina vào tìm hiểu cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Các cơ quan liên quan của hai bên phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu để có cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, giải quyết các rào cản, khó khăn và vướng mắc phát sinh trong hoạt động hợp tác kinh doanh; từng bước xem xét mở cửa thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của mỗi bên vào thị trường của nhau theo lộ trình phù hợp trên cơ sở có đi có lại và cân bằng lợi ích của cả hai bên.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương mong muốn, Việt Nam và Argentina cần thúc đẩy khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối MERCOSUR.
Thỏa thuận này sẽ tạo bước đột phá quan trọng để các doanh nghiệp của hai nước có được lợi thế cạnh tranh trong việc tiếp cận thị trường của nhau.
Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước liên tục gia tăng qua từng năm, từ 378 triệu USD năm 2007 lên 4,88 tỷ USD năm 2022 , đưa Argentina trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Mỹ và ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Argentina trên phạm vi toàn cầu.
Argentina hiện đang là một trong những nhà cung cấp ngô và thức ăn chăn nuôi hàng đầu cho Việt Nam. Về đầu tư, hiện nay Argentina có 5 dự án, đứng thứ 122/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.