1. Trang chủ /
  2. Việt Nam - Campuchia: Phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD

Việt Nam - Campuchia: Phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD

thứ ba, 12/12/2023 22:41 GMT+07
Sáng 11/12, sau lễ đón tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet đang thăm chính thức Việt Nam. Tại hội đàm, hai Thủ tướng nhất trí hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế; đẩy mạnh thương mại song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet: Ảnh VGP. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet: Ảnh VGP.

Đưa quan hệ Việt Nam – Campuchia lên tầm cao mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet tới một nước ASEAN; chúc mừng Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet đã được Đảng Nhân dân Campuchia tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đảng tại Đại hội bất thường ngày 10/12/2023.

Thủ tướng chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Chính phủ Campuchia đã đạt được trong thời gian qua; bày tỏ tin tưởng Chính phủ Campuchia do Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet đứng đầu sẽ tiếp tục giành nhiều thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; thực hiện thắng lợi Chiến lược Ngũ giác giai đoạn I, đưa đất nước Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam – Campuchia; cũng như luôn coi trọng truyền thống quan hệ đoàn kết gắn bó, chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; đồng thời chuyển lời thăm hỏi tới Lãnh đạo cấp cao Campuchia và Samdech Techo Hun Sen.

Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet bày tỏ vui mừng được lần đầu tiên đến thăm chính thức Việt Nam trên cương vị mới; chúc mừng những thành tựu đối nội, đối ngoại to lớn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, giúp không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới; bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2030 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet khẳng định chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này nhằm kế thừa, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới; bày tỏ chân thành cảm ơn quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, cũng như trân trọng truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân, đế quốc trước đây.

Nhân dịp này, Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet đã chuyển lời thăm hỏi của nguyên Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực của quan Việt Nam - Campuchia thời gian qua. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó tin cậy; hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao các kênh và các cấp. Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được đẩy mạnh.

Thương mại hai chiều đã có bước tiến lớn, tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2015-2022 và vượt 10 tỷ USD vào năm 2022; Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia với 205 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,95 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, có hơn 640.000 lượt khách Việt Nam thăm Campuchia và khoảng 250.000 lượt khách Campuchia sang Việt Nam.

Hai Thủ tướng trao đổi về phương hướng lớn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quan trọng giữa Chính phủ hai nước, trong đó có cơ chế “Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học và Kỹ thuật” và “Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới”; tăng cường kết nối, giao lưu giữa thanh niên và lãnh đạo trẻ hai nước; cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực để kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2024), theo đó Campuchia sẽ cử lãnh đạo Chính phủ sang Việt Nam dự Lễ kỷ niệm ngày 07/01.

Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phát huy hai lĩnh vực trụ cột quan trọng này nhằm góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại nước kia; tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng và Bộ Công an/Nội vụ hai nước.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới và cùng nhau hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; hoan nghênh việc hai nước cùng Lào sẽ sớm tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ nhất.

Phía Campuchia khẳng định luôn coi trọng và sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế, cả kết nối về hạ tầng cơ sở và kết nối về thể chế chính sách; đẩy mạnh thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới và hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên; phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới; nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.

Về hợp tác biên giới, hai Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan liên quan hai bên đã phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục duy trì, củng cố đường biên giới hoà bình, ổn định và phát triển; nhất trí tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc giải quyết các khu vực thuộc 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các lực lượng chức năng và địa phương giáp biên giới hai nước.

Về các lĩnh vực hợp tác khác, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ của hai nước; đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng cường kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường cao tốc và tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước; phối hợp với Lào đẩy mạnh các gói du lịch “Một hành trình ba điểm đến”.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị Chính phủ Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người gốc Việt sinh sống, làm ăn ổn định, hợp pháp tại Campuchia, hòa nhập tốt với sở tại và làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có duy trì đoàn kết, lập trường chung và vai trò trung tâm của ASEAN đối với những vấn đề an ninh, chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lập trường của nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; tiếp tục cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN; tiếp tục tăng cường hợp tác ba nước Việt Nam – Campuchia - Lào, trong đó có việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Cùng với đó, duy trì và phát huy các cuộc gặp giữa Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành của ba nước; ủng hộ Lào hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 và AIPA 2024; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và Tiểu vùng Mekong mở rộng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Ngay sau Hội đàm, hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ ký 03 văn kiện hợp tác gồm: (1) Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia; (2) Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Campuchia; (3) Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Ngoại giao và Quan hệ quốc tế Campuchia./.