Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Vương quốc Anh
Nhận lời mời của Hoàng gia Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, từ ngày 4-6/5, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III diễn ra tại Vương quốc Anh.
Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là hoạt động đối ngoại cấp cao quan trọng, khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh và mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhà vua Charles III.
Hợp tác thực chất, hiệu quả
Việt Nam-Anh thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/9/1973. Trong những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước theo hướng thực chất, hiệu quả.
Tháng 9/2010, hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh.
Hai nước triển khai nhiều cơ chế hợp tác song phương như: cơ chế Đối thoại Chiến lược thường niên cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao định kỳ luân phiên (thiết lập theo Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược 2010; đã có 8 phiên họp); Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng (lần thứ nhất năm 2018); Phiên họp Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO) (lần thứ 12, năm 2022).
Về hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009, khóa 2020-2021. Hai bên cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Anh thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để mở rộng quan hệ với ASEAN. Việt Nam cũng ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN.
Hiện, Anh đã đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP (tháng 2/2021) và mong muốn Việt Nam ủng hộ Anh.
Ở lĩnh vực thương mại, Anh đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới; thường có lập trường đứng về phía Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và EU; ủng hộ EU công nhận Việt Nam là nước có Quy chế kinh tế thị trường.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam-Anh tăng nhanh. Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt- Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam - 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Anh đạt khoảng 6,836 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu sang Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 5,2%; nhập khẩu từ Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,2%.
Đối với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại-linh kiện, hàng dệt may, giày dép, sắt thép các loại, máy vi tính-linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và nhập khẩu từ Anh, gồm: máy móc, thiết bị, dược phẩm, sản phẩm hoá chất, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may-da giày, ôtô nguyên chiếc.
Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do tại London (29/12/2020) trên nguyên tắc kế thừa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam-Anh.
Trao đổi công hàm khẳng định Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước ngày 26/3/2021 nêu rõ Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Anh.
Về đầu tư giữa hai nước, Anh đứng trong top 20 nước hàng đầu có vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/10/2022, Anh có 494 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 4.197 tỷ USD, đứng thứ 15/140 trong số các nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư Anh tham gia nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 117 dự án, vốn đăng ký đạt 1,59 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 26 dự án, tổng vốn trên 1 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3 với 7 dự án, tổng vốn đăng ký 701,44 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực: bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; cấp nước và xử lý chất thải; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo.
Về địa bàn đầu tư, Anh đã đầu tư vào 36 tỉnh thành của Việt Nam và các dự án dầu khí ngoài khơi. Dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh với 244 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 909,1 triệu USD (chiếm 21,6% tổng số vốn đăng ký của Anh tại Việt Nam). Tiếp theo là các dự án dầu khí ngoài khơi với 5 dự án, tổng vốn đăng ký 688 triệu USD. Đồng Nai đứng thứ 3 với 11 dự án, vốn đầu tư đăng ký 670,8 triệu USD. Số còn lại thuộc các địa phương khác như Hải Dương, Long An, Bình Dương.
Chiều ngược lại, đến tháng 6/2022, Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Anh và 3 dự án tăng vốn với tổng vốn 13,9 triệu USD, đứng thứ 39/79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Đứng đầu là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.
Đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Thời gian qua, Việt Nam-Anh cũng thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực đa dạng. Ở lĩnh vực quốc phòng-an ninh, hai bên trao đổi nhiều đoàn quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin; hai bên cử Tùy viên Quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam tháng 7/2021.
Những năm gần đây, Anh thường xuyên có tàu hải quân thăm Việt Nam.
Bộ Quốc phòng hai nước đã nâng Đối thoại chính sách quốc phòng thường niên lên cấp Thứ trưởng, duy trì 4 phiên họp, luân phiên tại mỗi nước; thiết lập Nhóm công tác về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực ưu tiên, như về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Anh chuyển giao bệnh viện dã chiến thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan cho Việt Nam, đào tạo tiếng Anh, an ninh biển, đồ bản và thủy đạc.
Hai bên thúc đẩy hợp tác, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, chống khủng bố, phòng chống di cư bất hợp pháp, buôn bán người, triển khai Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù và Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.
Trong hợp tác phát triển, Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù từ năm 2016, Anh dừng cung cấp viện trợ phát triển ODA, nhưng Anh vẫn duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các quỹ phát triển như Quỹ Thịnh vượng, Quỹ Newton, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo.
Những lĩnh vực Anh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: quản trị công và bền vững về nhân văn; nền kinh tế carbon thấp và khả năng phục hồi khí hậu; thương mại toàn cầu và môi trường kinh doanh…nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế, văn hóa…
Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Anh tích cực thúc đẩy sự tham gia của hệ thống các trường hàng đầu của Anh trong liên kết đào tạo cũng như hợp tác xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Nhân dịp chuyến thăm chính thức Anh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại Tọa đàm Việt Nam-Anh về hợp tác giáo dục (30/6/2022), các trường Đại học Việt Nam và Anh đã ký kết 10 thỏa thuận hợp tác.
Anh cũng tham gia hoạt động hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, nghiên cứu và đổi mới thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam ở Anh hiện có khoảng 110.000 người gồm cả 12.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh; sống hòa nhập, ổn định. 90% người Việt sống tập trung tại các thành phố lớn như London, Birmingham, Manchester… Một số hội đoàn người Việt có những hoạt động tích cực; góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và hướng về xây dựng quê hương.
Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một trong những hoạt động quan trọng góp phần tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương./.