1. Trang chủ /
  2. Việt Nam nằm ở đâu trong “bản đồ đất hiếm” của thế giới?

Việt Nam nằm ở đâu trong “bản đồ đất hiếm” của thế giới?

thứ ba, 22/8/2023 22:35 GMT+07
Tính đến nay, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm với 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc.
Hầu hết các mỏ đất hiếm lớn tại Tây Bắc hiện chưa được khai thác

Nguyên liệu quý

Đất hiếm là khoáng sản chiến lược, có giá trị và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực từ điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi, trồng trọt…

Việc khai thác đất hiếm trên thế giới bắt đầu từ thập niên 50 của thế kỷ trước, thoạt tiên là những sa khoáng monazit trên các bãi biển. Vì monazit chứa nhiều thorium (Th) có tính phóng xạ ảnh hưởng đến môi trường nên việc khai thác bị hạn chế. Theo các chuyên gia, quá trình khai thác, chế biến đất hiếm phát sinh nhiều nguyên tố độc hại và có tính phóng xạ, do vậy nếu khai thác, chế biến đất hiếm không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và những hệ lụy về môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực khai thác.

Từ năm 1965, việc khai thác đất hiếm chủ yếu diễn ra ở vùng núi Pass, Colorado - Mỹ. Đến năm 1983, Mỹ mất vị trí độc tôn khai thác vì nhiều nước đã phát hiện mỏ đất hiếm. Trong đó, ưu thế khai thác dần nghiêng về phía Trung Quốc vì nước này đã phát hiện được đất hiếm. Đến năm 2004, vùng mỏ Bayan Obo của Trung Quốc đã sản xuất đến 95.000/102.000 tấn đất hiếm của thế giới.

Theo các nhà chuyên môn thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam, đất hiếm gồm 17 nguyên tố, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ôtô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, radar, tên lửa...

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Cự, bộ môn Thổ nhưỡng và Môi trường Đất (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì 17 nguyên tố này đều là những nguyên tố dạng hiếm và có trong bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép như: Dysprosium (Dy), Erbium (Er), Europium (Eu), Gadolinium (Gd), Holmium (Ho), Lutetium (Lu), Terbium (Tb)... Ngoài ra, nhóm nguyên tố này có hàm lượng ít trong vỏ trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Trữ lượng đất hiếm trên thế giới khoảng 87,7 triệu tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các nước như: Trung Quốc (27 triệu tấn); Liên Xô trước đây (19 triệu tấn); Mỹ (13 triệu tấn), Australia (5,2 triệu tấn); Ấn Độ (1,1 triệu tấn), Canada (0,9 triệu tấn); Nam Phi (0,4 triệu tấn); Brazil (0,1 triệu tấn); các nước còn lại (21 triệu tấn). Nhu cầu hằng năm chỉ cần 125.000 tấn thì 700 năm nữa mới cạn kiệt loại khoáng sản này.

Việt Nam cũng là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm, kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thực hiện từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái).

Chưa khai thác tốt "kho báu"

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm bao gồm: Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xevà xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).

Ngoài Đông Pao, còn có mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhưng trữ lượng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Hơn nữa, nhiều mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Lai Châu được đánh giá là khu vực có trữ lượng đất hiếm lớn và luôn có khát vọng được khai thác tiềm năng đất hiếm này. Chính vì vậy, tỉnh mong muốn việc khai thác tài nguyên đất hiếm đi vào nền nếp; tránh tình trạng khai thác trái phép gây mất ổn định và trái với quy định của pháp luật.

Đã có nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát tài nguyên đất hiếm tại Lai Châu. Cụ thể, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Lai Châu đã buổi làm việc với đoàn chuyên gia Hàn Quốc và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc hợp tác khảo sát, khai thác và chế biến tài nguyên đất hiếm tại tỉnh. Tại buổi làm việc, đoàn chuyên gia Hàn Quốc mong muốn triển khai sớm hoạt động đầu tư các mỏ đất hiếm tại Lai Châu. Phía Hàn Quốc cũng cam kết sẽ mang công nghệ hiện đại đến khai thác tại Lai Châu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.

Ngoài ra, khái thác đất hiếm còn có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường bởi trong đất hiếm có các nguyên tố phóng xạ, khá nguy hiểm cho nhân công và môi trường xung quanh.

Việt Nam dự tính khai thác 2 triệu tấn đất hiếm mỗi năm

Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, để khai thác hiệu quả loại khoáng sản đất hiếm này, đồng thời đảm bảo an toàn môi trường, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác cần phải phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi xem xét đầu tư cũng như kiểm soát ô nhiễm sau khi đi vào vận hành. Tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.

Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam rất đa dạng, trong đó khoáng sản đất hiếm ngày càng trở thành trọng tâm quan trọng của ngành. Ngoài ra, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp cận được với các thị trường trọng điểm trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường nhập khẩu khoáng sản đất hiếm lớn.

Chính phủ cũng đã xác định ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó có lĩnh vực khoáng sản đất hiếm, là ưu tiên phát triển và đã đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Những biện pháp này bao gồm các ưu đãi về thuế, thủ tục đơn giản hóa để xin giấy phép khai thác và thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho khai thác và chế biến.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 866 phê duyệt về "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", theo đó dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.

Theo quyết định trên, đối với đất hiếm, giai đoạn từ nay đến năm 2030 hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Trong đó, để chế biến tổng các ôxit đất hiếm (TREO) sẽ đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện - chế biến đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.

Để chế biến đất hiếm riêng rẽ (REO) sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách - chế biến tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.

Giai đoạn từ năm 2031 - 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1-2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tổng sản lượng khai thác dự kiến khoảng 2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm. Tổng các ôxit đất hiếm (TREO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ (REO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm.

Đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500 - 10.000 tấn/năm.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tính toán, thị trường đất hiếm toàn cầu có giá trị khoảng 10 tỷ USD, thị trường cho các sản phẩm sử dụng đất hiếm hơn 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn cung ngoài Trung Quốc chỉ có một số cơ sở sản xuất như Lynas (Australia), MP Materials (Mỹ), Neo Silmet (Estonia), Toyota Tsusho (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam...