Vĩnh Phúc: Sử dụng đất 35 năm vẫn bị coi là… “giao khoán”
35 năm khai hoang, phục hóa
Ông Cao Văn Công (tổ dân phố An Phú, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, trước năm 1986, khu vực Bờ Vòng Đầm Cói là vùng đất trũng dốc, ngập lụt, hoang vu, ít người qua lại. Diện tích đất ruộng do HTX Hợp Thịnh khai thác tại khu vực này cũng thường xuyên mất mùa, sản lượng thấp.
Năm 1986, cán bộ xã và HTX Hợp Thịnh có chủ trương giao khoán khu đất này cho 11 hộ xã viên. Do canh tác không hiệu quả nên đến 26/8/1987, tại khu vực trên chỉ còn hai hộ là ông Công và ông Nguyễn Văn Thung đứng ra nhận khoán trên diện tích 17 mẫu 4 sào 6 thước (tương đương 62.748m2 ) đất nông nghiệp quỹ I, quỹ II (ở 5 xứ đồng Cống Cóc, đồng Pheo, đồng Lò Ngói, đồng Cống Lọc, đồng Gảy). Mỗi gia đình quản lý, sử dụng sản xuất và nộp thuế một nửa, tương đương 31.374m2 .
Sau khi nhận đất, gia đình ông Công và ông Thung cho rằng đã vất vả khai hoang, phục hóa, đầu tư cải tạo đào đắp bờ mương; nâng tổng diện tích canh tác lên khoảng 200.000m2 (tăng khoảng 140.000m2 so với diện tích đất nhận khoán ban đầu).
Giai đoạn 1991 - 1994, tập thể lấy lại của hai gia đình 41.435m2 đất (gia đình ông Công 16.714m2 ; gia đình ông Thung 24.721m2 ) để giao cho 8 hộ khác canh tác. Như vậy, diện tích đất nhận khoán quỹ I, quỹ II còn lại của ông Công là 14.633m2 , ông Thung là 6.653m2 .
Đến tháng 9/2002, hộ ông Công tiếp tục bị HTX Hội Hợp lấy 5.304m2 đất, giao cho một hộ dân khác. Năm 2008, Nhà nước thu hồi tiếp 9.374m2 để làm đường đi Yên Lạc. Như vậy, theo tính toán của ông Công thì gia đình ông đã bị lấy lại toàn bộ đất quỹ I, quỹ II đã nhận khoán năm 1986 (31.374m2 ) và còn bị thu hồi thêm 18m2 đất gia đình ông đã tự khai hoang, phục hóa.
Diện tích khai hoang còn lại, gia đình ông Công tiếp tục canh tác đến đầu 2015 thì được UBND phường và HTX Hội Hợp ký 4 hợp đồng (số 76, 77, 78, 79) giao khoán cho 4 người con của ông Công, mỗi người 4 mẫu (tương đương 14.400m2 ). Trong hợp đồng ghi rõ diện tích đất quỹ II là 424,5m2 ; “đất hoang cá” là 13.975,5m2 . “Như vậy, địa phương đã xác định 4 người con của tôi sử dụng tổng cộng 55.902m2 đất hoang cá và 1.698m2 đất quỹ II”, ông Công nói.
Đất giao khoán hay đất khai hoang?
Theo ông Công, việc quản lý, sử dụng đất trên là ổn định, liên tục, không có tranh chấp, không vi phạm. Nhưng tại Quyết định thu hồi đất số 3081/QĐ-UBND và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 3082/QĐ-UBND ngày 14/10/2021, UBND TP Vĩnh Yên đã cho rằng gia đình ông sử dụng 41.081,1m2 đất tại khu Bờ Vòng Đầm Cói là “đất quỹ II” chứ không phải đất khai hoang, phục hóa, đủ điều kiện bồi thường. “Đã vậy, gia đình tôi còn bị đo đạc, kiểm đếm thiếu tới 7.000m2 đất khai hoang”, ông Công nói.
Cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, gia đình ông Công đã gửi nhiều đơn kiến nghị. Ngày 14/9/2021, UBND tỉnh có Văn bản 8056/UBND-NN5 giao Thanh tra tỉnh kiểm tra xác minh. Ngày 24/11/2021, Thanh tra tỉnh có Báo cáo 370/BC-TTr đã căn cứ vào Hợp đồng giao khoán nuôi thả cá đề ngày 1/1/2008 do UBND phường Hội Hợp cung cấp để cho rằng 41.081,1m2 do gia đình ông Công sử dụng thuộc đất quỹ II.
Tuy nhiên, ông Công cho rằng hợp đồng trên là không xác thực vì không có số hợp đồng, không ghi họ tên người được giao khoán và không có bản chính.
Liên quan sự việc, khi giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Công, ngày 31/5/2022, UBND TP Vĩnh Yên đã ra Quyết định 1363/QĐ-UBND với nội dung, giữ nguyên quan điểm về diện tích và nguồn gốc đất bị thu hồi của gia đình ông Công.
Ngay sau đó, ông Công đã khiếu nại Quyết định trên vì cho rằng UBND TP Vĩnh Yên đã “bỏ qua”, không xem xét 4 hợp đồng mà HTX Hội Hợp ký với 4 người con của ông vào năm 2015. Đồng thời, quá trình giải quyết, cơ quan này cũng không tổ chức đối thoại với người khiếu nại theo quy định.
Ngày 15/6/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định 1134/QĐ-UBND giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại cho Thanh tra tỉnh. Ngày 27/6/2022, Thanh tra tỉnh có Quyết định 74/QĐ-TTr về việc xác minh nội dung khiếu nại của ông Công cho Tổ Thanh tra.
Trong khi đó, ông Công cho rằng, thành viên Tổ công tác này đã từng xác minh vụ việc của ông vào năm 2021. Nay nếu họ lại được giao tư vấn giải quyết khiếu nại là không đảm bảo khách quan. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh vẫn không chấp nhận thay đổi cán bộ xác minh theo đề nghị của người khiếu nại.
Ngày 26/7/2022, tổ xác minh đơn (do ông Đường Thiện Tài, Trưởng phòng Nghiệp vụ 4, Thanh tra tỉnh làm Tổ trưởng) đã tiến hành làm việc với nguyên Chủ nhiệm và nguyên kế toán HTX Dịch vụ nông nghiệp Hội Hợp (tại trụ sở UBND phường Hội Hợp) với sự có mặt của lãnh đạo và công chức địa chính phường. “Gia đình tôi đề nghị cho luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tham dự buổi làm việc này nhưng đã bị từ chối”, ông Công nói.
Nêu quan điểm về sự việc này, LS của ông Công cho rằng, việc ông Công, ông Thung khai hoang, cải tạo để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là đúng quy định, phù hợp với chính sách của Nhà nước và Luật Đất đai các thời kỳ. Diện tích trên không thuộc diện tích HTX giao khoán ban đầu và hiện không có tranh chấp sử dụng với ai nên cần được coi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hai ông này (đất không giấy tờ, thuộc trường hợp sử dụng ổn định lâu dài, không lấn chiếm, không vi phạm). Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, cần tiến hành đền bù, bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người khai hoang theo quy định.
Để xác minh nội dung do ông Công phản ánh, PV đã liên hệ làm việc, trao đổi với lãnh đạo UBND phường. Tiếp nhận đề nghị, ông Phùng Mạnh Kiều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND phường Hội Hợp đề nghị PV cần làm việc với ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, đến nay cuộc gặp trên chưa được sắp xếp.