1. Trang chủ /
  2. Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động Bổ trợ tư pháp

Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động Bổ trợ tư pháp

thứ tư, 10/5/2023 13:17 GMT+07
Những năm qua, hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều hoạt động có tính đột phá nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, trong đó, công chứng, luật sư, giám định tư pháp và thừa phát lại là những lĩnh vực hoạt động có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp.
Hội nghị đánh giá hiệu quả công tác bổ trợ Tư pháp do Sở Tư pháp Vĩnh Phúc tổ chức.

Công tác quản lý nhà nước về luật sư được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Trật tự, kỷ cương đối với tổ chức và hoạt động của đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30 tổ chức hành nghề luật sư với 78 luật sư đăng ký hành nghề. Năm 2022, các luật sư đã thực hiện 989 vụ việc, doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng, nộp thuế 250 triệu đồng. Hoạt động của luật sư ngày càng đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Hoạt động công chứng từng bước thực hiện mục tiêu xã hội hóa, góp phần làm lành mạnh hóa, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại; tạo việc làm và tăng thu ngân sách cho các địa phương. Hội công chứng viên của tỉnh từng bước thể hiện được vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, tích cực tham gia đóng góp trong việc xây dựng các văn bản pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 53 công chứng viên, 27 tổ chức hành nghề công chứng; năm 2022, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng được 108.558 hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác, đóng góp cho ngân sách nhà nước và nộp thuế gần 3 tỷ đồng.

Hoạt động giám định tư pháp từng bước thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định; các kết luận giám định đều bảo đảm đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết các vụ việc. Sở Tư pháp tích cực phối hợp với các Sở, ngành ở địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Các tổ chức giám định tư pháp quan tâm, chú trọng hơn đến việc tiếp nhận, trưng cầu và thực hiện giám định theo đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 89 giám định viên tư pháp và 9 người giám định tư pháp theo vụ việc; các tổ chức giám định đã thực hiện 4855 vụ việc giám định, trong đó có 4.686 vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó đóng góp quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai.

Hoạt động đấu giá tài sản có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong quá trình tổ chức các cuộc đấu giá, bảo đảm tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, hạn chế tình trạng tiêu cực trong các cuộc đấu giá. Việc triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành được chú trọng. Năm 2022, toàn tỉnh có 18 đấu giá viên đang hành nghề; các tổ chức đấu giá đã thực hiện được 221 cuộc bán đấu giá thành công.

Việc triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được quan tâm chú trọng. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển các Văn phòng Thừa phát lại đến năm 2030. Theo đó đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 11 Văn phòng Thừa phát lại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 Văn phòng Thừa phát lại với 9 thừa phát lại đăng ký hành nghề.

Nhìn chung công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu, Sở Tư pháp kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp trong bối cảnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Hoạt động thành lập, cấp giấy đăng ký hoạt động, bổ nhiệm giám định viên tư pháp và đăng ký hành nghề các chức danh bổ trợ tư pháp từng bước được chuẩn hóa, kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp… Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được chú trọng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bổ trợ tư pháp cũng như công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục như: Hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại còn có sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vẫn còn hiện tượng chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín hoạt động hành nghề trong xã hội, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Một số công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, một bộ phận luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ pháp lý, chủ yếu là tham gia tố tụng; đội ngũ giám định viên còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng…

Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Thực hiện tốt các Nghị quyết, Đề án, Chiến lược, Kế hoạch và Chỉ thị của Trung ương và Tỉnh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Hai là, tạo kỷ cương, tuân thủ pháp luật trong hành nghề của các tổ chức bổ trợ tư pháp. Thành lập các tổ chức bổ trợ tư pháp thật sự có uy tín, chuyên nghiệp; Chú trọng xây dựng Phòng công chứng, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các tổ chức hành nghề.

Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bổ trợ tư pháp. Hoạt động công chứng, giám định, luật sư, tư vấn pháp luật không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích khách hàng mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bổ trợ tư pháp. 

Bốn là, xây dựng, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. 

Năm là, đào tạo đội ngũ hành nghề bổ trợ tư pháp có trình độ, kỹ năng hành nghề tốt và có đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp có phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị, có kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp. Rà soát, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng về dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, trong hành nghề, các luật sư phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư, thực hiện việc tư vấn cho công dân, tổ chức ở những địa bàn, những vụ việc phức tạp, nhạy cảm do các cơ quan nhà nước đang giải quyết, khi tư vấn cho công dân, tổ chức những vụ việc phức tạp cần lựa chọn phương pháp, cách thức thích hợp, phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước nhằm vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, vừa đảm bảo sự ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.

Sáu là, trong lĩnh vực đấu giá tài sản, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá tài sản, tối đa hóa tài sản cho Nhà nước, có sự tham gia rộng rãi của người có nhu cầu mua tài sản đấu giá./.