1. Trang chủ /
  2. Vỡ mộng ‘việc nhẹ lương cao’

Vỡ mộng ‘việc nhẹ lương cao’

thứ hai, 29/8/2022 21:17 GMT+07
(PLM) - Câu chuyện về những lao động nghe theo lời dụ dỗ sang nước ngoài làm việc nhẹ mà lương cao, sau khi vỡ mộng đã tìm cách tháo chạy về nước không hiếm những năm gần đây. Biết vậy nhưng vẫn còn không ít trường hợp dễ dãi nghe theo để rồi phải nhận trái đắng. Đến nơi mới biết mình bị bán, thậm chí có lao động phải bỏ mạng nơi xứ người.
Những người vượt biên qua sông Bình Di về nước may mắn được đưa về trung tâm để theo dõi sức khỏe vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại cảnh bị tra tấn nơi xứ người.
Những người vượt biên qua sông Bình Di về nước may mắn được đưa về trung tâm để theo dõi sức khỏe vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại cảnh bị tra tấn nơi xứ người.

Những câu chuyện gây ám ảnh

“Tập đoàn lớn tuyển hàng trăm vị trí telesale, marketing, chăm sóc khách hàng, nhân sự... lương thử việc 20 - 40 triệu đồng; nhân viên được tự do đi lại, được thưởng hằng tháng...”- những lời quảng cáo đầy hấp dẫn kiểu như thế này xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Tin vào những lời chào mời hấp dẫn như vậy, lại thêm thông tin mức lương từ 700 đến 1.000 USD/ tháng, nhiều lao động vì muốn đổi đời nên sẵn sàng vượt biên trái phép sang Campuchia với ước mơ về một công việc nhẹ nhàng mà lương được trả lại cao. Tuy nhiên, không việc nhẹ, cũng chẳng lương cao mà thực chất nạn nhân bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, làm việc 15h mỗi ngày, hoặc bị bán vào các sòng bài, bị tra tấn như địa ngục, đánh đập đòi tiền chuộc.

Vụ việc 42 người tháo chạy khỏi Casino Rich World ở Campuchia vượt qua sông Bình Di (huyện An Phú, tỉnh An Giang) để tìm cách bơi về nước gây xôn xao dư luận những ngày qua. Đáng buồn, trong lúc tẩu thoát bằng đường sông, một thanh niên do không biết bơi đã thiệt mạng. Số còn lại được địa phương sắp xếp ở Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú để giúp họ ổn định tinh thần, lấy lại sức khỏe. Nhóm người này do nghe theo lời dụ dỗ sang Campuchia sẽ có lương cao, trong khi công việc lại nhàn hạ. Tuy nhiên sau khi sang tới đó, họ bị ép phải làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, thậm chí không được trả lương, nên những người này đã bất chấp nguy hiểm bàn nhau tháo chạy khỏi sòng bạc với mong muốn được trở về quê hương.

Em Lê Đình Hải cư trú tại tỉnh Gia Lai, là nạn nhân trong vụ tháo chạy ở Casino Rich World kể lại cho chúng tôi trong tâm trạng còn bàng hoàng lo sợ. Hải cũng không ngờ có ngày được trở về sau 4 tháng bị bóc lột sức lao động nơi xứ người. Nghe theo lời dụ dỗ của một vài người mới quen, Hải cùng một số người khác vượt biên trái phép sang Campuchia với giấc mơ về công việc nhẹ ổn định mà lương cao.

Đến nay, những vết thương trên người Hải vẫn chưa lành. Còn tâm trí Hải thì hoảng loạn: Tôi sang làm việc ở bên đó được 4 tháng. Công việc hằng ngày là lên các trang mạng thực hiện các hành vi lừa đảo. Chúng cho chỉ tiêu ví dụ trong vòng 5 ngày phải tìm được 2 khách và bắt họ chuyển từ 10 đến 15 triệu đồng, những ai không làm được thì sẽ bị đưa vào danh sách đen. 5 ngày tiếp theo mà không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị chích điện và nếu 5 ngày sau vẫn không tìm được khách nào thì sẽ bị đem đi bán. “Tôi đã bị 2 lần chích điện, có 3 thanh niên xích tôi vào một cái ghế, giữ chặt và chích điện đến khi nào mình gần ngất xỉu mới ngưng, nhiều người đã chết”, Hải nhớ lại.

Một trường hợp khác, do cần tiền trả nợ và để tiêu xài cá nhân, ngày 30/5/2022, N.T.T (22 tuổi), cư trú tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang đã lên mạng tìm việc làm. T nhận được lời giới thiệu làm phu xe, mỗi ngày đi 2 chuyến đưa người qua lại Campuchia với số tiền 5 triệu đồng/chuyến. Thấy việc nhàn, thu nhập tương đối cao, vì vậy T đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng, đến sáng ngày hôm sau 1/6/2022, T đến TPHCM và được một người đàn ông lái xe ô tô 7 chỗ đưa sang Campuchia. Tuy nhiên khi vừa đến nơi, T được đưa vào một công ty. Đến giờ nét mặt T vẫn thất thần khi chia sẻ với chúng tôi: “Lúc vào tới công ty, có một chị phiên dịch cho hay các em qua đây thì xác định các em đã bị bán rồi. Lúc đó em mới biết là mình đã bị lừa và mình đã bị bán cho công ty. Công ty đó làm về lĩnh vực game và cũng lừa đảo nhiều lao động khác sang làm việc nhẹ lương cao. Một thời gian họ giam lỏng mình và nói nếu muốn trở về thì báo với gia đình đưa tiền chuộc 2.500 USD”.

Em N.Q.C (17 tuổi), cư trú ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng bị các đối tượng dụ dỗ là vẫn đưa ra một viễn cảnh sang Campuchia sẽ nhận được lương cao. Không những thế em C còn được các đối tượng làm sẵn hộ chiếu rồi đưa sang Campuchia. Thấy mình bị lừa và không chịu được cảnh tra tấn, C nhiều lần muốn trở về nước, tuy nhiên gia đình C đã phải nhiều lần chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng với tổng số tiền 160 triệu đồng.

Gặp chúng tôi, C vẫn còn bàng hoàng và không muốn nhớ lại khoảng thời gian đó. Em C kể lại: “Chúng gọi bảo vệ xích tôi vào giường và bắt tôi liên hệ với ba mẹ tôi nói chuyện để lo tiền… ba mẹ tôi đã chuyển hết 160 triệu đồng nhưng chúng lại đòi chuyển thêm 200 triệu đồng nữa. Nhưng tôi biết gia đình không còn đủ khả năng chuyển tiền nữa, nên tôi không đồng ý và bọn chúng đã bán tôi vào công ty khác…”.

Cảnh báo những bạn trẻ vẫn đang ôm mộng “việc nhẹ lương cao”, một nạn nhân trong số 40 người vừa được trở về Việt Nam bày tỏ: Chẳng có việc nào nhẹ lại lương cao đâu. Đừng dại dột như tôi, nhẹ dạ tin vào lời dụ dỗ của họ bất chấp khuyên can của gia đình bỏ đi sang đó. Ở quê kiếm việc rồi lao động bằng mồ hôi công sức của mình, chứ đừng mơ đi qua đó việc nhàn hạ lại có thu nhập cao, không có đâu. Thậm chí còn mất mạng. Không biết bao giờ tôi mới hết ám ảnh bởi những ngày tồi tệ ở xứ người.

Em N.Q.C (thứ 3 từ trái sang) kể lại sự việc sau khi được giải cứu trở về quê nhà.

Khuyến cáo người dân

Liên quan tới các lao động bị lừa bán sang Campuchia, ông Châu Văn Ly - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết: Hằng năm Sở đều ký kết phối hợp liên tịch với các lực lượng công an, quân sự, biên phòng và Hội Phụ nữ tỉnh, cũng như phối hợp với các tỉnh bên kia biên giới để tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em. 

Dù vậy, riêng trên địa bàn tỉnh An Giang, thời gian qua, Công an tỉnh An Giang đã tiếp nhận 7 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia. Trước thực trạng trên Thượng tá Nguyễn Hữu Thơ - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh An Giang khuyến cáo: “Qua các vụ việc trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang khuyến cáo người dân không nên nghe theo những thông tin tuyển dụng việc làm trên các trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo. Nếu người dân muốn có nhu cầu về việc làm hay đi lao động ở nước ngoài thì nên tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm ở các địa phương một cách hợp pháp để được hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ...”

Liên quan tới vụ 42 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, các công dân này trước đó đều bị bóc lột sức lao động nhưng trả lương không đúng như thỏa thuận hoặc không được trả lương. Ngoài ra, họ còn bị ép thực hiện hành vi phạm tội công nghệ cao như: lừa đảo qua mạng, tổ chức đánh bạc qua mạng… bị đánh đập, tra tấn và ép người nhà phải đưa tiền chuộc rất lớn, cùng đường họ phải tháo chạy. Đáng chú ý, còn có tình trạng người lao động Việt Nam bị bán từ casino này sang casino khác. Đây là dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Chúng tôi đã làm rõ và phát hiện 4 đường dây mua bán người ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Chúng câu móc với các đối tượng người Campuchia để thực hiện hành vi mua bán người.

“Hiện Công an tỉnh An Giang đã báo cáo vụ việc với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), nhằm phối hợp với công an các tỉnh, thành phố có nạn nhân trong các đường dây mua bán người để tiếp nhận tin báo và xử lý dứt điểm, có hình thức xử phạt răn đe các đối tượng này”, Đại tá Đinh Văn Nơi cho hay.

Ngăn chặn xuất nhập cảnh bất hợp pháp

Thông tin về vụ hàng chục người Việt tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 25/8 cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin từ địa phương, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, đề nghị sớm điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên trong vụ việc xảy ra, tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở lao động, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp sử dụng lao động bất hợp pháp, bảo vệ giải cứu các trường hợp lao động người nước ngoài, trong đó có lao động người Việt Nam, bị bị bóc lột, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm tăng cường biện pháp quản lý xuất nhập cảnh, việc đi lại tại khu vực biên giới đường bộ giữa hai nước để ngăn chặn hạn chế tối đa các trường hợp xuất cảnh bất hợp pháp.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, ngày 22/8, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ quản lý nơi các công dân Việt Nam làm việc, làm thủ tục về nước cho 25 công dân khác cũng bị lừa sang lao động tại Campuchia, trong đó có 11 công dân đã được giải cứu từ casino ở Campuchia, bao gồm cả 1 công dân bị bảo vệ cơ sở bắt giữ trong khi cố tìm cách bỏ trốn vào ngày 18/8 vừa qua.

Trước đó, ngày 23/8, tất cả 40 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia rồi vượt sông Bình Di về Việt Nam đã được ngành chức năng tỉnh An Giang cho phép trở về địa phương. Trong số 40 người này, An Giang, Nghệ An, Cao Bằng, Thái Bình, Bắc Giang, Lai Châu, Kon Tum mỗi nơi có 3 người; Gia Lai 5 người; TPHCM 2 người; còn lại Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Lâm Đồng, Hà Nam, Quảng Nam, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Sơn La có 1 người.

Giấc mơ “việc nhẹ lương cao” không còn, có người may mắn được trở về gia đình, nhưng cũng có trường hợp phải ở lại nhiều năm vì không có tiền chuộc và bị bán như một món hàng, thậm chí không còn giữ được mạng sống. Những trường hợp trên là bài học cảnh tỉnh để các lao động trẻ hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.