1. Trang chủ /
  2. “Vốn văn hóa” đối với phát triển kinh tế Hà Nội

“Vốn văn hóa” đối với phát triển kinh tế Hà Nội

thứ sáu, 12/5/2023 00:24 GMT+07
Vốn văn hóa dù ở trạng thái nào cũng có những tác động không hề nhỏ đối với kinh tế. Nhận thức được điều này để có những chính sách, chiến lược phù hợp phát huy vốn văn hóa, khai thác một cách hiệu quả, thì sẽ thu được những nguồn lợi lớn, không chỉ về tinh thần, mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển.
Phụ nữ Hà Nội với di sản Áo dài.(Ảnh: Bảo Thoa)

Cốt lõi người Hà Nội

Theo PGS.TS Đinh Thị Vân Chi (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), vốn văn hóa chủ thể hóa có tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ sự phát triển kinh tế là do con người quyết định. Nếu con người giàu có về vốn văn hóa chủ thể hóa, thì sẽ có những quyết định đúng đắn, sáng suốt, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngược lại, nếu con người kém hiểu biết, nghèo nàn về vốn văn hóa chủ thể hóa, thì có thể đưa ra những quyết định thiếu hợp lý, thậm chí sai lầm, gây hậu quả cho kinh tế. Vốn văn hóa chủ thể hóa là cái cốt lõi sâu xa ở bên trong mỗi quyết định của con người khi điều hành kinh tế.

Những biểu hiện về văn hóa của con người đối với thiên nhiên được thấy rõ qua những hành động cụ thể và thiết thực của bà con nông dân Hà Nội, khi cùng nhau đồng lòng thực hiện hiệu quả các mô hình: “Cánh đồng sạch”; “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; Tổ hội nông dân thu gom rác thải; Tổ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật...

Phụ nữ Hà Nội với di sản Áo dài.(Ảnh: Bảo Thoa)

Riêng trong năm 2021, bà con nông dân Hà Nội xây dựng 534 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức trồng và gắn biển 75 hàng cây nông dân, 112 tuyến đường hoa nông dân với độ dài 41km; 45 mô hình cánh đồng sạch; 38 mô hình hàng cây kiểu mẫu. Cũng với tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên, nhiên liệu, đã có khoảng 40% cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, trong giai đoạn 2012 - 2015 đạt mức tiết kiệm trung bình 5 - 8% và giai đoạn 2016 - 2018 tiết kiệm 8 - 13% định mức nguyên/nhiên vật liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm. Đến nay, mục tiêu sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch của thành phố Hà Nội.

Đối với văn hóa làng nghề, nghệ nhân Triệu Văn Mão ở làng lụa Vạn Phúc đã đi khắp các miền, tìm xin hoặc mua những mảnh áo, những chiếc khăn, những miếng lụa cũ may bằng lụa vân đã thất truyền, sau đó nhờ các nghệ nhân lớn tuổi có tay nghề nhất trong làng thiết kế lại các mẫu lụa cũ, rồi dệt thử nghiệm. Gian truân nhiều năm, ông đã lần lượt phục chế thành công các loại lụa như lụa sa trơn, lụa xuyến 7, lụa quế trơn, lụa vân…

Nghệ nhân Lê Xuân Phổ tại Bát Tràng không cam chịu nhập đất của Anh với giá cao phi lý, trong khi Việt Nam có những loại đất có thể đáp ứng yêu cầu của thiết kế, nên ông đã khổ công mày mò để rồi cuối cùng chế ra được loại đất thích hợp từ nguồn nguyên liệu địa phương, rẻ hơn đất nhập của Anh cả chục lần.

Những "Tuyến đường hoa kiểu mẫu" có ở khắp nơi trên đất Hà thành. (Ảnh: Bảo Thoa)

Văn hóa liên cá nhân là một phần của văn hóa tập thể, góp phần làm nên văn hóa cộng đồng, văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp… Nếu văn hóa liên cá nhân tốt sẽ giúp các thành viên trong một tập thể gắn kết với nhau, đoàn kết cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Họ sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung, cùng chung sức đồng lòng, làm nên sức mạnh tập thể, vượt qua được nhiều khó khăn.

Khi đã coi mình là một mắt xích của một cỗ máy, một thành viên của tập thể, một người thân thiết của một nhóm bạn bè, mỗi người sẽ làm việc hết lòng, say mê và thăng hoa, đạt tới hiệu quả lao động cao.

Vốn văn hóa đối với phát triển kinh tế

Cũng theo PGS.TS Đinh Thị Vân Chi, đối với sự phát triển của kinh tế, vốn văn hóa khách thể hóa của từng cá nhân có tác động không đáng kể, nhưng vốn văn hóa khách thể hóa của cộng đồng thì lại tác động rất to lớn, bởi lẽ nguồn vốn này chính là nền văn hóa chung của cộng đồng, bao gồm các giá trị văn hóa vật thể (di tích, kiến trúc, trang phục…) và phi vật thể (lễ hội, làng nghề, phong tục tập quán, nghệ thuật…).

Du lịch không thể phát triển nếu thiếu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, gồm “truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”.

Xét về bản chất, nguồn tài nguyên nhân văn nêu trên chính là hệ thống giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng, là nguồn vốn văn hóa khách thể hóa, có khả năng vận hành và mang lại nguồn lợi nhuận.

Văn hóa làng nghề làm nên sản phẩm làng nghề, góp phần phát triển cho ngành kinh tế du lịch. (Ảnh: Bảo Thoa)

Với sức hút mạnh mẽ của các di tích, thành phố Hà Nội đã xây dựng 3 tour du lịch khám phá 28 tuyến phố cổ, 121 di tích lịch sử, văn hóa - lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bằng xe điện. Nhiều tour khác gắn với các di tích nổi tiếng của thành phố, như “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến quen thuộc và hấp dẫn: Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chùa Một Cột; tour “Hà Nội bộ hành” gắn với các di tích Đình Đồng Lạc, Cầu Long Biên; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… và nhiều tour du lịch văn hóa khác.

Đặc biệt, các tour du lịch “Đêm thiêng liêng” 1, 2 và 3 thăm khu di tích Nhà tù Hỏa Lò lập tức tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách ngay khi khai trương, trở thành một hiện tượng của du lịch văn hóa thăm các di tích, tạo nên “cơn sốt” với tình trạng “cháy vé”, vé được đặt hết trước cả tháng.

Rõ ràng là khi tiềm năng của hệ thống di tích được đánh thức với tư cách là nguồn vốn văn hóa, đã mang lại lợi ích kinh tế đáng ghi nhận: Trong năm 2019 khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón hơn 1,5 triệu lượt khách, Đền Ngọc Sơn: gần 1,2 triệu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám: gần 400 nghìn, Nhà tù Hỏa Lò: hơn 450 nghìn. Ngoài ra còn có Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý phát huy giá trị kinh tế đa chiều. (Ảnh: Bảo Thoa)

Các làng nghề cũng được thiết kế để trở thành những điểm du lịch hút khách, ví như tour xe đạp khám phá Cổ Loa - Làng gốm Bát Tràng - các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn” của Hà Nội; tour đi bộ “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”,… Sự đa dạng văn hóa tộc người của các dân tộc thiểu số cũng trở thành nguồn tài nguyên dồi dào cho phát triển du lịch cộng đồng. Các hình thức du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch đồng quê/miệt vườn, du lịch trải nghiệm... cũng ngày càng phát triển.

Như vậy, vốn văn hóa khách thể hóa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế khi chúng trở thành sản phẩm du lịch, thu hút được du khách đến với mình, mang lại doanh thu cho cộng đồng.

Những sản phẩm, hàng hóa cũng vậy, một khi chúng được gắn danh hiệu chính thức, thì sẽ trở thành thành phần của nguồn vốn văn hóa thể chế hóa, ví dụ các sản phẩm được gắn sao của Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm có thương hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý.

Nguồn vốn văn hóa, khi được tôn vinh bằng một danh hiệu nào đó, sẽ trở thành vốn văn hóa thể chế hóa, có thể mang lại những nguồn lợi không chỉ tinh thần, mà cả vật chất, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế.