Vụ án trưởng phòng “rút ruột” số hàng trị giá 5 tỷ đồng của công ty
Theo cáo trạng, Cty TNHH Dịch vụ tin học FPT có trụ sở chính tại 27 Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội. Ngày 17/1/2017, Công ty FSC thành lập chi nhánh Cty TNHH Dịch vụ tin học FPT tại Khánh Hòa (gọi tắt Chi nhánh) tại 20 đường Phan Chu Trinh, phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 16/10/2017, Duy được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng kinh doanh dịch vụ thuộc Chi nhánh. Cùng ngày, người đại diện Cty ký quyết định ủy quyền cho Duy được ký tên, đóng dấu chi nhánh với các hợp đồng bán hàng hóa, dịch vụ giá trị đến 100 triệu đồng tại Chi nhánh.
Từ tháng 2 - 31/8/2020, Duy lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã yêu cầu nhân viên dưới quyền lập khống nhiều hóa đơn giá trị gia tăng mua bán hàng hóa với 48 đơn vị đối tác. Hóa đơn thể hiện bán hàng hóa cho đối tác nhưng thực tế không phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa. Sau đó Duy lấy khối lượng hàng hóa (chủ yếu là máy tính xách tay, điện thoại iPhone..) đã xuất trên hóa đơn để bán cho các đơn vị khác dưới mức giá vốn để thu tiền mặt. Số lượng hàng hóa này được Chi nhánh tổng hợp trong Bảng tổng hợp công nợ khách hàng gồm 86 bộ hồ sơ.
Cũng trong khoảng thời gian trên, Duy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Trưởng phòng kinh doanh dịch vụ, yêu cầu nhân viên dưới quyền không trực tiếp đi giao hàng, bán hàng, thu tiền khách hàng mà phải do Duy tự đảm nhiệm. Đồng thời, Duy yêu cầu kế toán kiêm thủ kho giao chìa khóa kho để Duy tự ý lấy hàng ra khỏi kho của Chi nhánh, sau đó đem bán cho các đơn vị khác dưới mức giá vốn để thu tiền mặt. Đối với số hàng hóa này, Duy chưa kịp xuất khống hóa đơn để hợp thức hóa hành vi. Số lượng hàng hóa này được Chi nhánh tổng hợp trong Bảng danh sách hàng hóa tổn thất gồm 27 bộ hồ sơ.
Toàn bộ số hàng trên, Duy mang bán cho cửa hàng điện thoại di động Hùng Hương (đường 2/4); cửa hàng điện thoại An Bùi (đường Bà Triệu, Nha Trang). Việc mua bán với hình thức sang tay, không có giấy tờ chứng minh. Hai cửa hàng trên thanh toán cho Duy bằng hình thức chuyển khoản hoặc trả tiền mặt.
Số tiền thu được sau khi bán số hàng trên, Duy khai nhận lấy một ít nộp về Cty để thanh toán cho số hóa đơn khống đã lập trong thời gian trước đó nhằm tránh bị quá hạn để không bị phát hiện; số còn lại Duy sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Quá trình điều tra, Duy khai nhận toàn bộ số tiền bán hàng trên Duy đều nộp về lại cho Cty nhưng là để thanh toán cho các đơn hàng mà Duy đã xuất khống vào khoảng thời gian trước năm 2020. Đồng thời, Duy sử dụng tiền thu được từ việc bán hàng của Cty để mua hàng tự kinh doanh, sử dụng cho chi phí vận chuyển, mua sắm trang thiết bị cho Chi nhánh, trả lương cho nhân viên tự tuyển dụng, chi phí “ngoại giao”, thuê dịch vụ cài đặt, quảng cáo… nhưng Duy không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng từ nào thể hiện nội dung này.
Xác minh tại 48 đơn vị mà Duy xuất hóa đơn khống bán hàng, có 3 Cty thực tế có mua hàng gồm: Cty TNHH Giải pháp công nghệ Viễn Đông (mua các thiết bị viễn thông tin học theo 12 hóa đơn GTGT của Chi nhánh, tổng số tiền 199 triệu đồng; đã thanh toán và chủ yếu giao tiền mặt cho Duy và nhân viên Chi nhánh, có lần chuyển khoản cho Duy); Cty TNHH Mac Nha Trang (sử dụng dịch vụ thay cảm ứng iPad, ép kính iPhone với số tiền 2,4 triệu đồng, đưa tiền mặt cho Duy); Cty TNHH Việt Phát (mua các thiết bị viễn thông tin học của Chi nhánh với tổng số tiền 45,9 triệu đồng, đưa tiền mặt cho Duy).
Với 45 Cty còn lại, qua xác minh đều không có giao dịch mua hàng với Chi nhánh. Kết quả xác minh tại Chi nhánh, xác định, từ 1/1 - 31/12/2020, Duy và kế toán Chi nhánh đã chuyển vào tài khoản Cty 8,2 tỷ đồng gồm 91 khoản. Toàn bộ số tiền này không có khoản nào thanh toán cho các đơn hàng nằm trong Bảng tổng hợp công nợ khách hàng (gồm 86 bộ hồ sơ) và Bảng danh sách hàng hóa tổn thất (gồm 27 bộ hồ sơ). Số tiền này là để thanh toán cho các đơn hàng khác mà Chi nhánh đã xuất bán, thu tiền và chuyển trả về cho Cty theo quy định.
Cty xác định toàn bộ chi phí mua hàng hóa, tài sản, chi phí phục vụ hoạt động kinh doanh của Chi nhánh đều được chi từ nguồn vốn Cty, có hóa đơn chứng từ và không liên quan tiền của Duy. Việc Duy sử dụng tiền bán hàng như thế nào thì Cty hoàn toàn không biết và cũng không có chứng từ thể hiện.
Ngày 13/2/2023, Duy và đại diện Chi nhánh đã trực tiếp làm việc và xác nhận số hàng hóa mà Duy chiếm đoạt có giá trị như sau: Giá trị hàng hóa bị Duy chiếm đoạt tại Bảng tổng hợp công nợ khách hàng (gồm 86 bộ hồ sơ) là 3,896 tỷ đồng (giá trị hàng hóa dựa trên giá trị nhập hàng vào của Chi nhánh); Giá trị hàng hóa bị Duy chiếm đoạt tại Bảng danh sách hàng hóa tổn thất (gồm 27 bộ hồ sơ) là 994 triệu đồng.
Tại phiên sơ thẩm, sau 1 ngày thẩm vấn, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề mà không thể bổ sung tại phiên tòa.