1. Trang chủ /
  2. Vụ án “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” tại Ninh Bình: Cần sự có mặt của người giám định tại phiên tòa

Vụ án “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” tại Ninh Bình: Cần sự có mặt của người giám định tại phiên tòa

thứ sáu, 14/4/2023 22:31 GMT+07
Do vắng mặt giám định viên (GĐV), đại diện bị hại và đại diện người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX TAND tỉnh Ninh Bình đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” và “vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, chi nhánh Ninh Bình (Co-opBank Ninh Bình).
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm sáng 12/4.

Cần thiết phải có mặt giám định viên

Sáng 12/4, TAND tỉnh Ninh Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” và “vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với Đặng Văn Quang (SN 1964, nguyên Giám đốc Co-opBank Ninh Bình), Trần Xuân Thành (SN 1976); Đinh Minh Tiến (đều là nguyên Trưởng phòng Tín dụng thành viên Co-opBank Ninh Bình), Nguyễn Ngọc Việt (SN 1981, nguyên Phó Phòng Tín dụng & Chăm sóc khách hàng Co-opBank Ninh Bình), Nguyễn Văn Quyền (SN 1986, nguyên cán bộ Phòng Tín dụng & Chăm sóc khách hàng Co-opBank Ninh Bình).

Tại phần khai mạc phiên tòa, HĐXX thông báo, trước khi mở phiên tòa, Co-opBank Ninh Bình đã có văn bản cho biết, đại diện đơn vị đi công tác đột xuất nên đề nghị hoãn phiên tòa; Còn 3 GĐV của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chi nhánh Ninh Bình cũng có đơn gửi Tòa án đề nghị xét xử vắng mặt.

Phát biểu ý kiến, các bị cáo, luật sư và đại diện VKSND tỉnh Ninh Bình đều đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập các GĐV tư pháp, người đại diện theo pháp luật của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Me (QTD Me) và Co-opBank Ninh Bình tham gia phiên tòa nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của các bị cáo.

Trên cơ sở các ý kiến trên, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để mở lại vào ngày 11 - 12/5/2023.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Vũ Văn Thiệu (Công ty Luật hợp danh INCIP- người bào chữa cho một số bị cáo) cho biết, để vụ án được giải quyết khách quan và đúng quy định pháp luật, ngày 30/3/2023, ông đã có văn bản đề nghị Tòa án triệu tập người giám định đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình trưng cầu giám định trong giai đoạn điều tra là NHNN, Chi nhánh tỉnh Ninh Bình. Việc có mặt tại phiên xử của GĐV là cần thiết vì cần xác định có hành vi vi phạm (về cấp tín dụng) hay không? Nếu có vi phạm thì gây thiệt hại ra sao?

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP thì một trong những trường hợp phải trưng cầu giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế là “khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật về ngân hàng”. Ngoài ra, Điều 68 Bộ luật TTHS cũng quy định, người giám định có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Vì vậy, các GĐV bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa để giúp HĐXX làm rõ một số vấn đề chuyên môn, chứ không thể “đề nghị xét xử vắng mặt” được.

Co-opBank Ninh Bình cho vay “điều hòa vốn” hay “cho vay tín dụng”?

Như PLVN đã thông tin, cáo trạng của VKSND tỉnh Ninh Bình cho rằng các bị cáo đã “vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng” do từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2019, họ đã biết rõ hồ sơ xin vay nguồn vốn mở rộng tín dụng, nguồn vốn cho vay hỗ trợ khả năng chi trả và nguồn vốn cho vay dự án quốc tế của QTD Me không đáp ứng quy định của pháp luật về cho vay; nhưng vẫn cố ý thực hiện không đúng việc thẩm định hồ sơ vay, đề xuất, phê duyệt cấp tín dụng cho QTD Me vay vốn.

Sau khi giải ngân, các đối tượng đã không thực hiện kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc việc sử dụng vốn vay của QTD Me với các khoản tiền đã cho vay. Điều này dẫn đến việc QTD Me có nhiều hành vi sai phạm về kế toán - tài chính, tín dụng - ngân hàng, để Nguyễn Thị Thu Hằng (Chủ tịch HĐQT QTD Me) chỉ đạo nhân viên rút tiền chiếm đoạt cá nhân và sử dụng sai mục đích, dẫn đến hậu quả Quỹ mất khả năng thanh toán cho Co-opBank Ninh Bình hơn 47,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn điều tra, NHNN Chi nhánh Ninh Bình đã từng có Kết luận giám định (KLGĐ) nêu rõ, “hoạt động chủ yếu của ngân hàng HTX là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các quỹ TDND:…”; “căn cứ các quy định của pháp luật, Ngân hàng HTX Việt Nam đã xây dựng Quy chế điều hòa vốn. Quy chế điều hòa vốn được phổ biến và áp dụng với tất cả các QTDND và là quy định nội bộ của Ngân hàng HTX Việt Nam; phạm vi điều chỉnh của Quy chế là quy định việc nhận tiền gửi và cho vay bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng HTX Việt Nam với QTDND thành viên. Do đó, 32 Hợp đồng tín dụng (HĐTD) mà Co-opBank Ninh Bình cho QTD Me vay vốn được thực hiện theo trình tự, thủ tục tại các quy định nội bộ của Ngân hàng HTXVN”; “NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình chưa đủ để kết luận quá trình thẩm định, đề xuất, phê duyệt, ký kết, kiểm tra việc thực hiện có đảm bảo điều kiện xét tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay theo quy định của NHNN hay không”.

Căn cứ nội dung giám định trên, các bị can cho rằng, các HĐTD mà VKS cáo buộc nằm trong hoạt động “điều hòa vốn” của Co-opBank Ninh Bình với các thành viên (chứ không phải “cấp tín dụng” cho khách hàng). Vì vậy, cần đối chiếu với Điều 10 (Điều kiện vay vốn) của Quy chế điều hòa vốn số 177/QC-HĐQT và số 717/2016/QC-NHHT của Ngân hàng HTX Việt Nam để xác định đúng - sai khi các bị cáo xét duyệt cho QTD Me vay vốn.

Cũng theo Quy chế điều hòa vốn của ngân hàng HTX Việt Nam, QTD Me có nghĩa vụ sử dụng vốn vay tử Co-opBank Ninh Bình đúng mục đích và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thỏa thuận về trả nợ vay và các nội dung đã cam kết trong HĐTD.

Như vậy, việc Nguyễn Thị Thu Hằng (nguyên Chủ tịch HĐQT QTD Me) và một số cán bộ dưới quyền thực hiện hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về kế toán” gây thiệt hại cho QTD Me thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự về vi phạm của mình.

Việc cho rằng các bị cáo phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của Co-opBank Ninh Bình hơn 47 tỷ đồng nằm trong tổng số hơn 146 tỷ đồng mà Hằng và một số nhân viên của QTD Me gây thiệt hại là thiếu cơ sở vì cơ quan giám định đã không xác định được thiệt hại từ 32 HĐTD nêu trong vụ án.

Đồng quan điểm này, LS Thiệu cho rằng, để xác định thiệt hại từ 32 HĐTD trên thì việc có mặt của các GĐV và đại diện Co-opBank Ninh Bình (được coi là bị hại của vụ án) là vô cùng cần thiết nhằm tránh làm oan, sai cho các bị cáo.