Vụ "chuyến bay giải cứu": Ai nhận nhiều tiền "hối lộ" nhất ?
Ngày 03/4/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết thúc, kết luận điều tra vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 54 bị can trước pháp luật.
Cụ thể, trong các bị can đề nghị truy tố, người bị truy tố về tội nhận hối lộ, từ cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao đến lãnh đạo các bộ ngành, địa phương như Phó chủ tịch Hà Nội và Quảng Nam, trợ lý Phó Thủ tướng và trợ lý Thứ trưởng... Trong đó người nhận nhiều nhất lên đến hơn 42 tỷ đồng, người ít thì vài trăm triệu đồng. Nhưng điều bất ngờ là người nhận hối lộ nhiều nhất lại là một cán bộ có chức vụ không cao là Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Theo kết luận điều tra, bị can Phạm Trung Kiên, nguyên Cán bộ Bộ Y tế với vai trò là thư ký, giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế, bị can Phạm Trung Kiên đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để yêu cầu các doanh nghiệp phải chung chi từ 500.000 VND đến 1.500.000 VND/ khách hoặc từ 100.000.000 VND đến 200.000.000 VND/01 chuyến bay hoặc từ 7000.000 VND đến 15.000.000 VND/khách lẻ. Tùy từng thời điểm thì mới giúp đỡ, không gây khó khăn và trình sớm để Thứ trưởng Bộ Y tế ký công văn chấp thuận chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, VPCP hoặc Bộ Y tế ký văn bản chấp thuận cho khách lẻ được về nước. Bị can Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 42.689.559.000 VND từ 19 cá nhân/đại diện các doanh nghiệp.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Phạm Trung Kiên phạm tội "Nhận hối lộ" quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS.
Trong quá trình điều tra, bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi Cơ quan khởi tố điều tra vụ án hình sự, Phạm Trung Kiên đã liên hệ, trả lại 12.241.000.000 VND cho đại diện các doanh nghiệp, cá nhân liên quan. Do đó, Phạm Trung Kiên được đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm khoản 1 Điều 51 BLHS.
Bên cạnh đó, bị can Bùi Huy Hoàng, nguyên Cán bộ Bộ Y tế cơ quan điều tra cũng xác định, mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xem xét, phê duyệt chuyến bay, nhưng vì động cơ vụ lợi đã làm trung gian môi giới, nhận 3.321.500.000 VND của Võ Thị Hồng để đưa 2.650.000.000 VND cho các cá nhân có thẩm quyền trong Tổ công tác 5 Bộ và địa phương để xin tổ chức 2 chuyến bay và được chấp thuận cách ly tại Hải Dương, Hoàng được hưởng lợi 671.500.000 VND.
Do đó xác định, hành vi của bị can Bùi Huy Hoàng đã phạm vào tội “Môi giới hối lộ” quy định tại khoản 4 Điều 365 BLHS. Quá trình điều tra, lúc đầu bị can nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác, nhưng sau đó đã thay đổi lời khai, phủ nhận hành vi phạm tội.
Cơ quan an ninh điều tra xác định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong, ngoài nước. Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong quần chúng, nhân dân.