Vụ nổ 3 người thương vong ở Bắc Ninh: Ai chịu trách nhiệm?
Liên quan đến vụ nổ ở nhà máy giấy, 3 người thương vong, báo cáo của UBND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Vào ngày 9/4, tại Công ty cổ phần giấy Hưng Lợi, nằm trong Cụm công nghiệp Phú Lâm, trong quá trình sửa chữa đã xảy ra vụ tai nạn lao động (nghi do nổ bể ngầm chứa nước thải) khiến 1 người tử vong tại chỗ và 2 người bị thương.
Ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Tiên Du đã có mặt chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung cứu chữa người bị thương, điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc; đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người đã mất và bị thương.
Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Du, Công ty CP giấy Hưng Lợi đã ngừng hoạt động từ tháng 10/2023, hiện đang sửa chữa thì xảy ra sự cố trên.
Vụ tai nạn lao động xảy ra khi nhà máy giấy ngừng hoạt động, nhiều độc giả quan tâm, vậy cá nhân, tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và những người bị thương.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và thương tâm. Thông tin sơ bộ ban đầu vụ nổ tại Công ty cổ phần giấy Hưng Lợi nghi do nổ bể ngầm chứa nước thải. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân chính xác xảy ra vụ nổ trên, cơ quan chức năng trong đó có cơ quan điều tra sẽ xác định nguyên nhân.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Khuyên, nếu trong quá trình sửa chữa cơ quan chức năng xác định được có việc vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn tới hậu quả chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Vi phạm các quy định về an toàn lao động là hành vi vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn, nội quy, quy trình, biện pháp về bảo đảm an toàn lao động như đồ bảo hộ không có hoặc không đạt tiêu chuẩn; không có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt; sử dụng với máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo vệ sinh an toàn lao động nhưng không kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng... dẫn tới các hậu quả nêu trên", Luật sư Khuyên bày tỏ.
Còn trường hợp việc thi công sửa chữa nêu trên vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, có vi phạm trong việc quản lý nguồn nhiệt để xảy ra vụ nổ thì người vi phạm có thể sẽ bị xử lý về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội phạm này quy định người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác dẫn tới hậu quả chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì sẽ cấu thành tội danh này.
Về trách nhiệm bồi thường, theo luật sư, ngoài trách nhiệm hình sự, nếu xác định lỗi của cá nhân, tổ chức để xảy ra vụ tai nạn nêu trên thì những người này sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân có người bị thương, có người tử vong theo quy định tại Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.