Vượt hơn 1.500 km ra Hà Nội, hàng trăm chủ cơ sở Karaoke kêu cứu vì sắp phá sản
Tại đây, các chủ cơ sở kinh doanh karaoke đều bày tỏ, các điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) có vướng mắc mà chính họ cũng không biết phải đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng như thế nào. Các quy định cũ và quy chuẩn mới bị chồng chéo; quy chuẩn mới đưa ra thì không có hướng dẫn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Cũng tại buổi gặp mặt, hơn 200 chủ cơ sở, đại diện cơ sở karaoke các tỉnh, thành đã ký đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành nghề karaoke.
Bên cạnh đó, tổ chức đối thoại giữa các cơ quan chức năng với tập thể cơ sở kinh doanh karaoke để tìm kiếm các giải pháp khắc phục cũng như giải đáp thắc mắc của các cơ sở. Bà Bùi Thị Thu Hà, đại diện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Thanh Hóa, cho biết trong tỉnh có khoảng 838 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, từ trước đến nay vẫn hoạt động bình thường, có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng PCCC trên địa bàn.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 "Về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc" thì tất cả các cơ sở đều bị dừng hoạt động, đình chỉ hoạt động với kết luận là các cơ sở không đảm bảo đầy đủ các điều kiện PCCC và CNCH, đồng thời yêu cầu khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC.
Việc phải dừng hoạt động từ cuối năm 2022 đến nay, cộng với việc dừng hoạt động trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19 đã làm các doanh nghiệp karaoke đứng trên bờ vực phá sản. Theo bà Hà, mỗi phòng hát, các cơ sở đầu tư trung bình cho hệ thống PCCC, lối thoát hiểm, trang trí âm thanh hết khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Khi áp dụng theo quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình thì đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu, nhiều quán karaoke sẽ phải đập bỏ và phá sản.
Ông Trần Xuân Dũng (đại diện cho các cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.HCM) cho biết đã phải vượt quãng đường hơn 1.500 km từ TP.HCM ra Hà Nội gặp những chủ cơ sở karaoke khác trên cả nước để "cầu cứu" lên các cơ quan chức năng.
Theo ông Dũng, TP.HCM có khoảng hơn 400 cơ sở karaoke bị đóng cửa, mỗi cơ sở đầu tư ít nhất khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền này đa số được đi vay mượn, thuế chấp ngân hàng, chưa tính việc phải đóng cửa hàng chục lao động mất công ăn việc làm, rất nhiều cơ sở cung cấp đồ ăn, nước uống bị thiệt hại.
Giống như tình trạng các quán karaoke của ông Dũng, bà Hà, nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội và một số tỉnh, thành khác cũng đang kêu cứu để được mở cửa trở lại bởi mỗi ngày trôi qua, họ phải gồng gánh hàng chục triệu tiền thuê nhà, chưa tính những chi phí khác.