Xây công trình tiền tỉ xử lý rác rồi bỏ hoang
Ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ cho biết, trước tình hình rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện ngày một nhiều, năm 2019, UBND huyện trích kinh phí từ nguồn Trung ương hỗ trợ địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải theo mô hình lò đốt rác cụm xã, tại bãi tập kết rác nằm bên đường Hồ Chí Minh nhánh Bắc, cách trung tâm huyện chừng 7km.
Công trình gồm đường vận chuyển; trụ và dây điện; máy móc, thiết bị và nhà xưởng, với tổng kinh phí 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau xây dựng, đến giữa năm 2021 mới có điều kiện câu mắc đường dây và đóng điện, do trước đó điện lưới chưa được kéo vào tới khu vực này. Sau đóng điện, chạy thử và nghiệm thu kỹ thuật, đơn vị bàn giao cho Hợp tác xã (HTX) dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện quản lý, sử dụng công trình. Tuy nhiên, đơn vị này sau vận hành, khai thác 1 tháng thì ngưng do không có kinh phí để duy trì.
Chúng tôi tìm đến công trình xử lý rác thải; dẫn vào công trình này là con đường bùn đất. Sau khi vượt qua “núi” rác rộng chừng 1ha, có nơi cao 4 -5m, công trình lộ ra trên một khoảnh đất nhỏ, xung quanh cũng phủ đầy rác. Lò đốt rác trông khá đơn giản, phía trước là hào vận chuyển rác, với mặt đáy và thành hào rộng, cao chừng 30cm, dài khoảng 3m, nối lên miệng lò thể tích chừng 1 tấn… Những phụ nữ mưu sinh bằng nghề nhặt rác gần 10 năm nay ở đây cho biết, họ chứng kiến lò đốt rác này hoạt động rất khó khăn. Nguyên nhân do rác phần lớn từ nông thôn, bao gồm nhiều loại như gạch, đá, mảnh chai, chứ không chỉ rác thải sinh hoạt hàng ngày. Khi gặp các loại vật cứng này, máy lập tức bị kẹt, chết máy và hư hỏng, buộc phải sửa chữa nhiều lần.
Qua trao đổi, ông Trương Mạnh Hùng, Phó Giám đốc HTX dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện Cam Lộ cho hay, qua 1 tháng chạy thử, máy đáp ứng được công suất tối đa, với 1 tấn rác/giờ. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại, là chưa có sân phơi rác; rác mỗi khi bị ướt, không thể đốt được. Ngoài ra, trong quá trình đốt phải có công nhân phân loại rác. Bên cạnh chờ kinh phí hỗ trợ của huyện để xây dựng sân phơi, đơn vị cũng đang chờ, tính toán và cân đối lại nguồn kinh phí do người dân đóng góp cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn để sớm đưa lò đốt nói trên vào hoạt động chính thức.
Được biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã bố trí nhiều nguồn lực để xây dựng các khu vực xử lý rác thải nhằm đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, hiện có nhiều công trình xử lý rác thải tương tự tại huyện Cam Lộ được đầu tư rồi lại để đó. Điều này không chỉ gây lãng phí về tiền của và thời gian mà còn khiến môi trường sống bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có giải pháp để chấm dứt tình trạng này trong thời gian sớm nhất.