Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán phái sinh
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; các Phó Hiệu trưởng: Vũ Thị Lan Anh, Tô Văn Hoà.
Về phía đơn vị tổ chức, có ông Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; ông Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; ông Phan Văn Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đi vào hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sự kiện quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 42 trên thế giới có thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là những con số rất ấn tượng thể hiện vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Các văn bản pháp luật về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được ban hành nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường này đồng thời ghi nhận ở mức độ cao hơn tại Luật Chứng khoán 2019. Tuy nhiên, đến nay, thực tiễn cho thấy, do TTCK ở Việt Nam còn mới, hàng hoá và mức độ sôi động của giao dịch trên thị trường còn giới hạn. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh và sự phát triển bền vững TTCK.
Với mong muốn trở thành một điểm đến của tri thức và tạo diễn đàn khoa học rộng mở để các nhà khoa học, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên hy vọng Hội thảo sẽ đạt được kết quả như kỳ vọng: vừa đề cập đến những vấn đề mới, cần cân nhắc đưa vào hệ thống quy định pháp luật nhằm điều chỉnh thị trường, vừa có những gợi mở cho lộ trình điều chỉnh pháp luật về TTCK phái sinh.
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Ngọc Hà cho biết, với quy mô của Hội thảo được 3 đơn vị đồng tổ chức, Ban tổ chức đã công bố rộng rãi thông tin nhằm thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo trong cả nước. Kết quả, Ban tổ chức đã nhận nhiều bài viết có chất lượng tốt, được phản ánh tại Kỷ yếu Hội thảo.
Điểm đáng lưu ý trong các bài viết mà Ban tổ chức nhận được là cách tiếp cận của các tác giả, luôn đặt TTCK phái sinh của Việt Nam trong môi trường động, việc nghiên cứu, đánh giá vấn đề pháp lý luôn được xem xét ở góc độ so sánh để đưa ra các kết quả khách quan. Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn lọc được 17 bài viết có chất lượng tốt để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo trọng điểm “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh”.
Cơ bản, nội dung của 17 bài viết đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh và tập trung vào 02 nhóm vấn đề lớn. Cụ thể là, những vấn đề lý luận về chứng khoán phái sinh và thực trạng pháp luật hiện hành đối với chứng khoán phái sinh, TTCK phái sinh; gợi mở một số giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TTCK phái sinh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kỳ vọng và thực trạng của chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh; sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán phái sinh; vai trò của công ty chứng khoán trên TTCK phái sinh; Pháp luật về kinh doanh chứng khoán phái sinh tại các Công ty chứng khoán ở Việt Nam; Đánh giá sự tác động của pháp luật tới sự tham gia của nhà đầu tư trên TTCK phái sinh tại Việt Nam…
Một số hình ảnh: