Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ có sức lan tỏa thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô phải bám sát chủ trương, chính sách, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết thực tiễn để định ra các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chương trình làm việc chiều nay cũng đề cập các nội dung về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương; tình hình triển khai Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và Nghị quyết số 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tham dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Qua phát biểu, nhất trí với các nội dung báo cáo nhấn mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; các mục tiêu, định hướng phát triển đều tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về: kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Nhấn mạnh Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô; vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc quy định những cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô chỉ nên đặt ra khi chứng minh được tính đúng đắn, hợp lý, hiệu quả và khả thi, khi mà bằng các quy định trong các luật hiện hành không thể giải quyết được hoặc chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Qua thảo luận, cho ý kiến, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, một số bộ, ngành đều thống nhất cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, lĩnh vực, nhưng phải trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và phù hợp chủ trương của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu cùng bày tỏ quan tâm vấn đề phải xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực để bảo đảm duy trì hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.
Cho rằng Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền, các đại biểu cũng cho rằng, các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
“Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý để giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc, qua nghe báo cáo của Thành ủy và ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với nhiều nội dung.
Cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội quyết định khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo đó, nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi sẽ rộng hơn so với Luật hiện hành để quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; cơ chế tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và sáu tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước.
Thu ngân sách vượt dự toán hằng năm, cơ cấu nguồn thu theo hướng tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 hơn 656 nghìn tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế: trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu suy giảm; sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vận tải hàng hóa tăng thấp hơn cùng kỳ; doanh nghiệp còn khó khăn, số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm và tạm ngừng hoạt động tăng.
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, lãnh đạo thành phố cho biết, Hà Nội chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường; đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 Ủy ban nhân dân phường với 2.452 người (giảm 252 người).
Theo báo cáo, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Ủy ban nhân dân phường được bảo đảm, tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các tổ chức đảng được đẩy mạnh, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp chuyển biến tích cực, rõ nét, đi vào thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả, có nhiều đổi mới; Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, song vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy, thông suốt hơn.