1. Trang chủ /
  2. XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM: Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM: Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

thứ ba, 9/8/2022 12:21 GMT+07
(PLM) - Ở Việt Nam thời gian gần đây, hoạt động thi hành pháp luật đã được quan tâm nhiều hơn, hiệu quả tốt hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều quy định và văn bản pháp luật mới ban hành đã được thi hành có hiệu quả trong cuộc sống, phát huy được vai trò tác dụng của pháp luật đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, làm cho dân ngày càng giàu, đất nước ngày càng phát triển hùng mạnh, dân chủ được mở rộng, xã hội từng bước công bằng, văn minh hơn.

Bên cạnh những quy định pháp luật được tổ chức thi hành nghiêm minh thì cũng còn mộtsố quy định pháp luật chưa được thi hành hoặc thi hành chưa nghiêm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa thậtsự hoàn thiện, chất lượng một số văn bản chưa cao; việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, văn bản quy định về trình tự, thủ tục, văn bản hướng dẫn thi hành thường chậm so với yêu cầu; hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa được như mong muốn; công tác tổ chức, cán bộ liên quan đến việc tổ chức thi hành pháp luật cũng chưa thật tốt; các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ cho việc triển khai thực hiện một số quy định pháp luật chưa đầy đủ...

Dưới đây là một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật ở nước ta hiện nay: Một là, nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn về tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong đờisống nhà nước và xã hội Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đòi hỏi không chỉ xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp, pháp luật mà còn phải tập trung tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả. Đã đến lúc phải “Thực hiện bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ việc đặt trọng tâm vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tr.179) để pháp luật phát huy được vai trò, tác dụng thực sự của mình trong đời sống nhà nước và xã hội.

Nâng cao chấtlượng, đổi mới phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luậtlà mộttrong các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. (Ảnh minh họa)


Chất lượng của hệ thống pháp luật Muốn nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật thì trước hết phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật.Các quy định pháp luật được ban hành phải phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập của đất nước, nhu cầu cải cách bộ máy nhà nước vì lợi ích của nhân dân.

Hệ thống pháp luật phải phản ánh đúng trình độ phát triển của kinh tế - xã hội, nó không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển đó. Ngoài ra, hệ thống pháp luật Việt Nam còn phải được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các điều ước và thông lệ quốc tế, có phương pháp điều chỉnh pháp luật phù hợp cho mỗi loại quan hệ xã hội. Xây dựng và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó chú trọng việc quy định chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, cương quyết thực hiện nguyên tắc “các cơ quan, nhân viên nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức, hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền, xử lý kiên quyết và nghiêmminhmọi vi phạm pháp luật, nhất là đối với những vi phạm của cán bộ, công chức nhà nước. Từng bước chuyên nghiệp hoá các hoạt động pháp luật, coi các hoạt động pháp luật là hoạt động nghề nghiệp. Ba là, tiếp tục cải cách, hoàn thiện bộ máy nhà nước theo tinh thần nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật là thuộc các cơ quan, nhân viên nhà nước, những người có trách nhiệm. Do vậy, cần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bởi, hiệu quả thi hành pháp luật phụ thuộc trực tiếp vào hoạt động có trách nhiệm của các cơ quan, nhân viên nhà nước. Đẩy nhanh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên các mặt: hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cụ thể là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển; Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, sự phân công, phối hợp, kiểm soát chặt chẽ, hợp lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bốn là, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Cần nhanh chóng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng. Cần đào tạo và đào tạo lại để không ngừng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức nhà nước; xử lý kiên quyết đối với những người vi phạm pháp luật làm tổn hại tới quyền, lợi ích, danh dự... của nhân dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đồng thời phải tiến hành minh oan công khai, bồi thường thoả đáng những thiệt hại về vật chất, phục hồi danh dự và việc làm đối với những người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử oan sai, trái pháp luật.

Năm là, triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân Để phổ biến, giáo dục pháp luật đạt kết quả tốt cần kết hợp nhiều hình thức và biện pháp đồng bộ, trong đó cần chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng khác nhau; lôi cuốn, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động pháp luật thực tiễn.

Quá trình đó sẽ hình thành nhu cầu tự thân hiểu biết pháp luật của các tầng lớp nhân dân; đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, các loại hình đào tạo pháp luật; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại và các phương tiện thông tin đại chúng vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn dịch vụ pháp lý...

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật, đặc biệt là hoạt động áp dụng pháp luật để kịp thời phát hiện và khắc phục những khiếm khuyết, yếu kém của hoạt động này, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý áp dụng pháp luật không đúng, không phù hợp với mục đích đặt ra cho pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, nhân dân phát hiện và tích cực đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật. Nâng cao vai trò của các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, quan liêu, lợi dụng chức quyền để tham ô, nhận hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước, sách nhiễu nhân dân. Bảy là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sự gương mẫu của đảng viên và các tổ chức đảng trong thi hành pháp luật.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật ở nước ta hiện nay. Sự gương mẫu của các tổ chức đảng và các cá nhân đảng viên trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêmminh các quy định pháp luậtsẽ là tấm gương để nhân dân noi theo. Điều đó cũng củng cố sự tin tưởng của nhân dân vào những giá trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, từng bước biến những lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội thành hiện thực.

Trong tiến trình xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền, đòi hỏi các tổ chức đảng, các tổ chức xã hội vàmọi công dân,mỗi thành tố của xã hội đều phải thể hiện đúng vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần củng cố các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác, kết hợp hài hòa với pháp luật trong duy trì, quản lý đời sống xã hội; đầu tư các nguồn lực thoả đáng cho hoạt động thi hành pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong các hoạt động pháp luật.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 221 ra ngày 9/8/2022)