Xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Các bị cáo khẳng định không được hưởng lợi gì
Chiều 10/5, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải và 10 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục diễn ra.
Sau bục khai báo, bị cáo Hai nói bản thân đã nghiên cứu cáo trạng của VKSND tối cao và thấy việc bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là không sai. Tuy nhiên, ông Hai phân vân về vai trò của mình so với các bị cáo khác.
Quá trình khai báo, bị cáo Hai nói UBND tỉnh Bình Thuận tiếp nhận văn bản đề nghị Ủy ban giao đất từ phía Cty Tân Việt Phát từ tháng 1/2017. Bước xử lý ban đầu, ông không nắm được thông tin. Khi đã có đầy đủ ý kiến tham mưu thì dưới văn phòng mới trình ông.
Theo lời khai của cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông chỉ ký văn bản liên quan đến giao đất cho Cty Tân Việt Phát, ký dựa trên cơ sở là hồ sơ giải quyết công việc do văn phòng trình, phiếu trình, hồ sơ các cơ quan chức năng gửi kèm theo, tờ trình của cấp dưới, có ý kiến đồng thuận của các Phó chủ tịch, đề xuất Sở TN-MT, Sở Tài chính, căn cứ quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Hai thừa nhận việc UBND tỉnh giao đất cho Cty Tân Việt Phát là trái pháp luật. “Sau khi có dư luận, bị cáo chỉ đạo ông Nguyễn Văn Phong (khi đó là Giám đốc Sở Tài chính) rà soát về quy trình và về giá”, ông Hai phân trần và cho biết sau đó, Giám đốc Sở Tài chính có văn bản trả lời là phù hợp. “Bị cáo tin tưởng vào kết quả định giá”, ông Hai nói.
Đến lượt mình, bị cáo Lương Văn Hải nói: “HĐXX tuyên như thế nào bị cáo xin chấp nhận, bị cáo không có đủ hiểu biết về tội danh. Theo bị cáo, diễn biến vụ việc thể hiện trong cáo trạng là đúng nhưng kết luận của VKS về trách nhiệm của bị cáo thì không đúng”. Trong vụ án này, bị cáo Hải bị truy tố và xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo lời khai của bị cáo Hải, ông có biết năm 2016 UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh hệ số nhưng không biết, không nắm bắt được diễn biến về giá đất. Ông Hải khẳng định bản thân không có động cơ vụ lợi cho cá nhân.
Bị cáo Lê Anh Huy (cựu chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) thì nói mình chỉ ký đề xuất phiếu trình, còn lại những công đoạn khác, bị cáo không tham gia.
Sau đó, bị cáo thừa nhận việc UBND tỉnh giao đất cho Cty Tân Việt Phát là có gây thiệt hại. Việc xác định thiệt hại là 45 tỉ đồng bị cáo không có ý kiến. “Mục đích tham mưu đề xuất là để thu ngân sách cho tỉnh, bị cáo không được hưởng lợi ích vật chất nào”, bị cáo Huy nói và cho biết quá trình điều tra, bị cáo có đề nghị gia đình thay bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả, hiện gia đình bị cáo đã nộp 10 triệu đồng.
Bị cáo Phạm Duy Cường (cựu Phó phòng phụ trách Phòng kinh tế đất đai) thì cho rằng việc truy tố bị cáo ở khung hình phạt như cáo trạng nêu là quá nặng. Bị cáo Cường khẳng định trong quá trình tham mưu, bị cáo chỉ ký phiếu trình duyệt.
“Bị cáo thấy việc tham mưu của bị cáo, thời điểm đó bị cáo không nhận ra nhưng tới thời điểm này, bị cáo nhận thức được việc giao đất này là có gây ra thiệt hại”, bị cáo Cường nói. Theo lời bị cáo Cường, khi nhận thức được sai phạm của mình, bị cáo đã tác động tới gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả là 30 triệu đồng. “Việc nộp tiền này theo bị cáo là cần thiết”, Cường nói.
Các bị cáo khác cho biết việc UBND tỉnh giao đất cho Cty Tân Việt Phát, sau này mới biết là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, dẫn tới thiệt hại của Nhà nước. Các bị cáo khẳng định không được hưởng lợi./.