Xóa bỏ “rào cản thế hệ” - cần học cách yêu thương
“Đau đầu” khoảng cách thế hệ
Mặc dù nhà ở cùng quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh với nhà ông bà ngoại, cách nhau chỉ hơn 2km, nhưng N.T.Y, học sinh một trường trung học phổ thông trong quận không mấy khi sang thăm ông bà. Cha mẹ có hối thúc, Y. vẫn tìm nhiều cớ thoái thác hoặc tảng lờ đi.
Cha mẹ của T.Y rất phiền lòng vì dạy mãi mà con vẫn không có nhiều tình thương với ông bà, ông bà cũng trách cháu không ngoan, không hiếu thuận. Câu chuyện diễn ra một thời gian dài, cho đến khi cha mẹ T.Y. tình cờ nghe được con gái mình tâm sự với chị gái đang du học ở nước ngoài rằng không phải mình ghét bỏ ông bà ngoại, nhưng rất ngại phải sang đối diện với ông bà. Bản thân T.Y. là một cô học sinh có cá tính mạnh, ăn mặc đôi khi hơi “khác người”. Cứ mỗi lần sang nhà ông bà, cô bé lại chạm phải những ánh mắt mà cô cho là “không hài lòng và phán xét” của ông bà đối với mình. Cạnh đó, cuộc nói chuyện giữa ông bà và cô cháu gái chỉ xoay quanh những lời trách móc vì cháu “bỏ lơ” ông bà, rồi khuyên nhủ, bảo ban cháu thay đổi cách ăn mặc, chăm chỉ học hành... Theo lời T.Y. tâm sự với chị, những cuộc nói chuyện ấy khiến T.Y. thấy nhàm chán và áp lực, lâu dần cảm thấy “sợ” khi phải sang thăm ông bà.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cao tuổi hiện nay cũng cảm thấy thế hệ trẻ, cháu chắt dường như có khoảng cách rất lớn đối với mình. Các cháu lúc nhỏ thì quấn quýt, yêu thương ông bà, nhưng càng lớn thì càng xa cách, không còn tâm sự, chia sẻ, thậm chí xa lánh ông bà. Nhiều người cháu thường phản ứng, cáu gắt khi ông bà nói chuyện, thiếu kiên nhẫn để lắng nghe người già. Điều này làm các cụ cảm thấy buồn, tủi thân.
Bên cạnh đó, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái cũng khiến nhiều gia đình “đau đầu”, đặc biệt là thế hệ Gen Z với các bậc phụ huynh 7X. Con cái thì than phiền là cha mẹ “cổ hủ”, không chịu thấu hiểu, còn cha mẹ thì cho rằng con mình cứng đầu, khó dạy bảo. Mạng xã hội cũng không ít lần xuất hiện những clip tình huống cho thấy mối nguy khi cha mẹ, con cái không hiểu nhau, trách móc nhau, ông bà cảm thấy cô đơn hơn lúc tuổi xế bóng...
Học cách yêu thương
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Tổng điều tra dân số năm 2019, nước ta có 20,4 triệu thanh, thiếu niên từ 10 - 24 tuổi, chiếm 21% dân số. Đã có nhiều vấn đề đặt ra cho các thế hệ hiện nay. Thanh, thiếu niên thì đối diện với những khủng hoảng của “thế hệ đổ vỡ”, dễ bị tổn thương, dễ bị rơi vào các chứng trầm cảm, rối loạn tâm lý, cảm giác không được thấu hiểu, thiếu an toàn. Trong khi đó, một bộ phận người cao tuổi thì có cảm giác “bị bỏ rơi”, lạc lõng với xã hội, xa rời con cháu.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, những “khoảng cách thế hệ” như trên không phải chỉ ở Việt Nam, mà quốc gia nào, xã hội nào cũng có. Hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, người trưởng thành chiếm tỉ lệ cao, nhưng càng ngày dân số càng già hóa, tỉ lệ người cao tuổi có nguy cơ tăng cao so với tỉ lệ thiếu niên. Sự cô đơn của người già, sự hoang mang của thanh, thiếu niên cũng ngày một tăng lên theo nhịp phát triển hiện đại của xã hội.
Gần đây, một video clip quảng cáo của nước ngoài đã được lan tỏa rộng rãi trên mạng, lấy đề tài ranh giới thế hệ, lay động người xem. Trong clip, khoảng cách thế hệ được biểu trưng bằng những vết nứt sâu trên mặt đất. Và mỗi khi các thế hệ ném những lời trách móc, định kiến về phía nhau, thì hố sâu ấy càng nứt toác, lan rộng, có nguy cơ hủy diệt tất cả. Chỉ đến khi các bên tìm được điểm chung cùng quan tâm, để rồi từ đó mở lòng, thấu hiểu, thông cảm và trân trọng nhau, dành cho nhau những lời yêu thương, khi ấy những vết nứt mới liền lại, khoảng cách không còn, các thế hệ bên nhau ngập tràn niềm vui.
Hố sâu thế hệ không phải mặc nhiên tồn tại, cũng không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách tuổi tác. Nó sinh ra và bị khoét sâu bởi những định kiến, những cố chấp luôn cho rằng mình đúng của mỗi một thế hệ. Để thu hẹp khoảng cách thế hệ là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ một phía, nhưng trước hết, chính những người trưởng thành, những bậc làm cha làm mẹ cần tạo nên sự đổi thay trước nhất bằng cách mở lòng, thay đổi suy nghĩ, tạo sự kết nối và hòa giải giữa mình và các thế hệ, giữa các thế hệ với nhau.