1. Trang chủ /
  2. Yên Bái: Giỡn mặt tử thần, kiếm tiền kiểu chụp giật từ khai thác đá cảnh

Yên Bái: Giỡn mặt tử thần, kiếm tiền kiểu chụp giật từ khai thác đá cảnh

thứ năm, 21/4/2022 12:08 GMT+07
(PLM) - Những phiến đá nặng hàng tấn đưa xuống từ đỉnh núi, rồi công khai mua bán vận chuyển, gây thất thoát tài nguyên quốc gia và nguy hiểm tính mạng người dân.

Những người khai thác đa đứng hẳn lên mỏm đá chênh vênh trên vực thẳm, chỉ cần giật mình một cái có thể rơi xuống vực sâu vài chục mét.

Thời gian gần đây trên địa bàn thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) thường xuyên xuất hiện những xe cẩu chở đá cảnh to nặng hàng tấn, từ sân nhà nguyện cộng đồng đi tiêu thụ.

Cứ mỗi buổi chiều tối, khi những phiến đá cảnh được lăn từ đỉnh núi xuống khe suối cạn, là người mua kẻ bán tấp nập đo đạc ngã giá rồi gọi điện cho máy cẩu vào vận chuyển.

z3346267260508_eea8abe20a1c2e6c63ce3c31ba5155d7
Sân nhà nguyện cộng đồng biến thành bãi tập kết đá cảnh, có mức giao dịch 15-20 triệu đồng một viên.

Để có thêm thông tin chính thức về tình trạng này, ngày 14/4/2022 nhóm phóng PV Báo Pháp luật Việt Nam đã vượt hàng trăm km tiếp cận hiện trường.

Trên các đỉnh núi cao chót vót có địa hình hiểm trở, những người thợ đá luôn treo mình trên vách núi cao hàng trăm mét, bất chấp rủi ro rình rập để khoan cắt đá cảnh trái phép ngay trong rừng phòng hộ.

z3346267264323_e0109ea7f9b7ab777230f5c3f2ca094b
Cất giấu máy khoan rồi quay ra kéo tời ba lăng nhưng vẫn để ý người lạ.

Thoáng thấy có bóng người lạ, tiếng máy khoan đá đang inh tai nhức óc bỗng ngừng bặt.

Chỉ còn lại tiếng gọi nhau í ới trên cao vọng lại. Sau khi đã cất dấu kỹ càng các thiết bị khoan cắt có giá trị, những người khai thác tập trung vào kéo ba lăng xích để lăn đá xuống bãi bằng.

z3346263748523_744867d35a2184621fef7aedd16c132a
Đứng chênh vênh trên sườn vách núi mà không cần thắt bảo hiểm.

Trong vai khách hàng mua đá cảnh, nhóm PV tỏ vẻ thân thiện rồi nín thở theo dõi, và ghi nhận được những hình ảnh gay cấn đến thót tim, khi những hòn đá nặng gần 1 tấn bị ba lăng xích kéo dần ra miệng vực sâu thăm thẳm.

Những người thợ đá loay hoay tìm cách đưa nó xuống.

Họ đứng hớ hênh đến nỗi chỉ một tiếng ho nhẹ thôi cũng có thể giật mình mà rơi tự do hàng trăm mét.

Hơn nữa phía dưới lại là con đường bê tông của thôn Bu Cao liên tục có phương tiện qua lại, nên việc lăn đá tảng xuống đó sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Tuy nhiên cuối cùng những viên đá tảng cỡ lớn ấy cũng được đưa xuống núi một cách an toàn.

z3346263764823_277b7be2c652baf2f5b8eab7099c7e2f
Đứng hẳn lên hòn đá đặt hớ hênh bên mép bờ vực thẳm.

Mỗi phiến đá cảnh to bằng cái bàn, giá hàng chục triệu đồng mà lại rất sẵn có trên núi, việc mua sắm một bộ thiết bị đồ nghề để khai thác cũng cực kỳ đơn giản, chỉ cần có máy khoan, máy cắt, búa xà beng và ba lăng tời, là đã có thể hình thành một đội quân khai thác từ 3-4 người cực kỳ hiệu quả.

Nên người ta sẵn sàng bỏ các công việc khác, để lao vào kiếm tiền kiểu chụp giật, bất chấp tính mạng bản thân và của người khác như thế này.

z3346263798288_f16f072cf29d0e4c184803134974ae43
Quá liều mạng khi rèo hẳn lên đá bên bờ vực hàng trăm mét.

Ngoài những phiến đá đã được lăn rơi từ trên cao xuống khe suối cạn.

Tại hiện trường còn ngổn ngang những viên đá lớn bị quấn xích vòng quanh, và nham nhở những vết khoan dài hàng mét.

Được biết khi muốn bóc tách được chúng ra khỏi vách đá, thì những người thợ phải treo mình khoan nhồi bột nở, rồi dùng xà beng cạy và kích, cùng ba lăng ròng rọc mới đưa được từng phiến xuống nguyên vẹn.

z3346263810265_de21bf60d1c8aba1615e1e4dd4b5d7c0
Tảng đá lớn sắp sửa rơi tự do xuống núi, phía dưới có đường người xe qua lại.

Kích thước mặt hàng đá cảnh ở đây, phụ thuộc vào quá trình khoan cắt vận chuyển.

Có những tảng đá khi cắt xong có chiều dài tới 3 mét rộng 2 mét.

Nhưng khi dùng ba lăng tời và để cho rơi tự do xuống vách núi thì lại bị sứt mẻ góc cạnh do va đập, nên giá bán bị rút đi gần một nửa.

Nhưng vẫn tồn tại ở mức từ 15 đến 18 triệu đồng một sản phẩm.

Chia sẻ với PV, những người thợ làm đá ở đây cho biết, họ chỉ thực hiện việc khai thác vận chuyển xuống chân núi rồi cho lên xe công nông chở về sân nhà nguyện cộng đồng thôn.

Còn mọi giao dịch mua bán cũng như "luật lá" ở đâu, như nào là do anh Ch người cùng trong làng đứng ra xử lý.

z3346299781695_9b6c6eea6176ac417c4641cc5fd72b5d
Các phương tiện dùng để vận chuyển đá cảnh từ khe suối lên sân nhà nguyện cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Vàng Sáy Tùng – Chủ tịch UBND xã Suối Bu cho biết: "Xã cũng nắm được việc khoan cắt đá cảnh tại thôn Bu Cao, chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ ngăn chặn rồi.

Nhưng gần đây thỉnh thoảng người dân vẫn tự ý tổ chức khai thác, về vấn đề này tôi sẽ cho anh em lên kiểm tra ngay."

Để tránh xảy ra những vụ tai nạn thương tâm và thất thoát lượng lớn tài nguyên khoáng sản, từ tình trạng khai thác trái phép đá cảnh trên địa bàn thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn.

Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi khai thác đá cảnh của nhóm người nói trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức để xảy ra sự việc trên.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.