3 lợi ích, 6 liên kết
Tại đây, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình đã có để làm tốt hơn trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN, phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, DN, nhà băng, nhà phân phối) để cùng cộng hưởng sức mạnh xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sâm.
Vấn đề hài hòa lợi ích “3 nhà”, không phải lần đầu Thủ tướng nói đến. Trong tất cả các lĩnh vực cần huy động đầu tư xã hội, đều phải như vậy. Vấn đề liên kết “6 nhà”, cũng không phải lần đầu Thủ tướng nói đến; tuy nhiên, luôn luôn có tính thời sự, thời cuộc, bởi một thời gian dài, đây chính là “điểm yếu” của chúng ta.
Một thời gian dài, DN trong nước mang tiếng “khôn nhà dại chợ”, do “tranh mua, tranh bán” nên dẫn đến hệ lụy bị nước ngoài chèn giá, ép giá... Ở phạm vi rộng hơn là giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế; giữa các tỉnh, thành, vùng kinh tế thiếu tính liên kết. Thể hiện rõ nhất là quy hoạch ngành này “xung đột” lợi ích ngành khác; các địa phương “mạnh ai nấy làm” dẫn đến đầu tư tràn lan, manh mún, thiếu hiệu quả. “Tư duy cảng biển”, “tư duy sân bay”, “anh có tôi cũng có” chính là thể hiện sự thiếu đồng bộ, liên kết. “Hội chứng” mía đường, xi măng lò đứng... những năm 90 của thế kỷ trước là bài học chúng ta cần nhớ.
Chính vì khâu yếu là sự liên kết, nên ở tầm quốc gia, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định 824/QĐ-TTg, 825/QĐ-TTg, 826/QĐ-TTg, 827/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nguyên.
Các Hội đồng điều phối vùng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong các nhiệm vụ và quyền hạn, có nội dung điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng; phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng...
Điều này cho thấy, tính liên kết đã được đặt ra ngang tầm yêu cầu đòi hỏi thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.
Chúng ta đang ở trong “thời đại chuỗi giá trị” toàn cầu. Để giảm chi phí logisctics, nâng cao giá trị cạnh tranh của hàng hóa, ngay thị trường trong nước đã đòi hỏi phải liên kết. Không chỉ các sản phẩm sâm Ngọc Linh; mà lúa, gạo, các nông sản, hàng hóa thủ công mỹ nghệ... đều đòi hỏi liên kết “6 nhà”. Hài hòa lợi ích “3 nhà” và liên kết “6 nhà”, vì vậy luôn luôn mang tính thời sự.